Tiết kiệm năng lượng vấn đề quan trọng bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia
16:22 | 21/08/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam: Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/8, các chuyên gia cho rằng, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam từ 20-30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%”.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, năng lượng và an ninh năng lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 18/3/2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm.
Cũng theo kịch bản này thì nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025, 2030 sẽ tương ứng là 235 tỷ kWh, 352 tỷ kWh và 506 tỷ kWh (tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2018 đạt 192,93 tỷ kWh). Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm đáng kể so với trước đây nhưng vẫn ở mức rất cao nếu so sánh với các nước trên thế giới, cụ thể là 10,6%/năm (giai đoạn 2016 - 2020), 8,5%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 7,5%/năm (giai đoạn 2026 - 2030). Nếu tổng công suất đặt của toàn hệ thống hiện nay là khoảng 54.000 MW (bao gồm cả năng lượng tái tạo) thì đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 60.000 MW và dự kiến lên đến 129.500 MW vào năm 2030.
Đây là một thách thức lớn đặt ra với ngành năng lượng trong việc đảm bảo thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết thêm, hiện Bộ Công Thương đảm nhận trọng trách điều hành, cung ứng đủ năng lượng cho quốc gia, đáp ứng nhu cầu cho phát triển đất nước. Song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, đạt hiệu quả cao về mặt kinh tế. Đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đánh giá về vấn đề tiết kiệm năng lượng hiện nay, theo ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hôi Tự động hóa, đã đến lúc phải nhìn nhận lại việc sử dụng năng lượng để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nói chung. Hiện nay khoảng 30% sản lượng điện dành cho chiếu sáng (dân dụng, công cộng…) chỉ cần tiết kiệm một nửa số điện hiện dùng bằng công nghệ đèn led... sẽ tiết kiệm tương đương việc phải xây dựng một nhà máy điện hạt nhân công suất khoảng 4.000 MW. Hay với điều hòa nhiệt độ, với khoảng 10 triệu chiếc điều hòa trên cả nước, nếu có công nghệ mới để tiết kiệm được khoảng 10% lượng điện cũng là con số tương đối lớn…
"Các chương trình nghiên cứu khoa học về sử dụng năng lượng hiệu quả hiện còn ít, thậm chí chất lượng còn yếu kém. Các đề tài nghiên cứu cấp bộ, ngành, cấp cơ sở cũng rất ít nghiên cứu về tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng có hiệu quả. Thời gian tới có thể đẩy mạnh vấn đề này hơn”, ông Nguyễn Quân nói.
Chia sẻ thực tế tiết kiệm năng lượng từ khối các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Theo đánh giá, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam là từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%.
Đơn cử như với Tập đoàn Hoà Phát với đặc thù sản xuất công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực; trong đó sản xuất gang thép là lĩnh vực sử dụng lớn điện, than… nhưng, với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhiều nhà máy của Tập đoàn đã có thể chủ động nhu cầu sử dụng điện gần 50%, thậm chí lên đến 70%.
Tuy nhiên, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, so với mức trung bình của thế giới, tiêu thụ năng lượng Việt Nam chỉ bằng khoảng 30-35%, tiêu thụ điện chỉ bằng khoảng 60%, Tuy nhiên, về mặt chiến lược, vấn đề sử dụng bền vững và hiệu quả năng lượng là điều cần được quan tâm đặc biệt.
Hiện nay ở Việt Nam, năng suất lao động những năm gần đây chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia... Trong khi đó, tốc độ tăng sử dụng điện quốc gia của Việt Nam trong thập niên qua luôn cao hơn 2-3 lần tốc độ tăng năng suất lao động.
Trong thời gian tới, nhiều nhà đầu tư dịch chuyển sang Việt Nam do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, có thể gây ra tăng mạnh đầu tư “công nghệ cũ – tốn năng lượng”, rồi đô thị hóa, biến đổi khí hậu... cũng tạo áp lực lên việc cung ứng điện. Do vậy, cần có cách tiếp cận mới về sử dụng năng lượng. Phải điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng (điện) cả từ phía cầu sử dụng, bằng giá bán, tiết kiệm điện..., ông Thiên nhấn mạnh.