Mới vừa thống nhất áp trần giá dầu, EU đã tính đến việc áp trần giá khí đốt Nga
Hôm 7/8, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất giới hạn giá khí đốt của Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin đe doạ cắt tất cả nguồn cung năng lượng nếu khối kinh tế chung thực hiện một động thái như vậy.
Chia sẻ với các phóng viên, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cho hay: “Chúng tôi sẽ đề xuất áp trần giá đối với khí đốt của Nga…Châu Âu phải cắt đứt nguồn doanh thu mà Moscow sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine”.
Các bộ trưởng năng lượng của EU sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn vào ngày 9/8 tới. Một nguồn tin của Reuters nói Hà Lan - quốc gia luôn phản đối việc áp trần giá khí đốt, sẽ ủng hộ một đề xuất nhắm vào khí đốt của Nga.
Tuy nhiên, một bộ trưởng của CH Czech trước đó cho biết đề xuất áp trần giá nên được loại khỏi chương trình nghị sự cho cuộc họp sắp tới. Czech hiện đang điều phối các cuộc thảo luận với vai trò là chủ tịch luân phiên của EU.
Tình trạng bế tắc trên có thể khiến giá khí đốt ở châu Âu leo thang hơn nữa, qua đó làm tăng thêm các hoá đơn khổng lồ mà các nước EU phải chi trả để ngăn các nhà cung ứng năng lượng sụp đổ cũng như giúp người dân không bị lạnh cóng trong mùa đông.
Châu Âu đã cáo buộc Nga vũ khí hoá nguồn cung khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngược lại, Điện Kremlin cho rằng chính các cấm vận là nguyên nhân gây ra trục trặc về đường ống và nguồn cung.
Khi căng thẳng bùng nổ, ông Putin nói Nga có thể huỷ bỏ các hợp đồng khí đốt đã ký kết với EU nếu Brussels áp đặt giá trần, đồng thời cảnh báo phương Tây rằng họ có thể bị đóng băng trong những tháng lạnh lẽo sắp tới.
Theo một bản tin khác của RT (Nga), EU cũng đang cân nhắc khả năng áp trần giá đối với tất cả khí đốt nhập khẩu - bao gồm cả khí hoá lỏng (LNG).
RT dẫn lời bà von der Leyen cho hay: “Nguồn cung LNG đang rất khan hiếm và có thể được chuyển hướng đến nhiều khu vực khác nhau…Chúng tôi muốn duy trì tính cạnh tranh cho các nhà cung ứng LNG nhưng vẫn đảm bảo rằng mức giá mà châu Âu phải trả không quá cao mà ở trong phạm vi phù hợp”.
Các nước EU chủ yếu mua khí LNG từ Mỹ và Qatar. Một số nhà phân tích cảnh báo rằng các nhà sản xuất có thể sẽ không muốn cung cấp nhiên liệu cho châu Âu nếu lợi nhuận của họ bị sụt giảm vì giá trần.