Tiết lộ thủ đoạn pha chế xăng giả của 'đại gia' Trịnh Sướng

09:08 | 10/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại tòa, Trịnh Sướng khai pha trộn xăng giả theo tỉ lệ 40% xăng nền, 60% là dung môi, hóa chất, phụ màu mua ở chợ Kim Biên (TP.HCM). Thành phẩm xăng giả cho chất lượng 90%.
Ngày 9/4, TAND tỉnh Đắk Nông tiếp tục phần xét hỏi bị cáo Trịnh Sướng (54 tuổi, trú tại tỉnh Sóc Trăng) và đồng phạm trong vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Tại tòa, Trịnh Sướng khai năm 1996 thành lập công ty kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, ngoài ra còn bổ sung thêm việc vận chuyển xăng dầu. Ngoài công ty này, Trịnh Sướng còn chỉ đạo hỗ trợ cho Công ty Gia Thành và một công ty khác.

Từ đầu năm 2017, bị cáo mua hóa chất thông qua Mai Trung Hậu. Hậu là người ký hợp đồng, giao lại cho Công ty Mỹ Hưng. Phương thức thanh toán là Trịnh Sướng chuyển tiền vào tài khoản của Hậu.

Nội dung ghi chuyển khoản “mua bán xăng dầu”, chứ chưa phải kinh doanh dung môi. “Do công ty bị cáo chưa được cấp phép hoạt động kinh doanh dung môi, hóa chất nên mới ghi như vậy”, Trịnh Sướng lí giải.
 
Tiết lộ thủ đoạn pha chế xăng giả của 'đại gia' Trịnh Sướng
Bị cáo Trịnh Sướng tại tòa

Dù vậy Hậu không biết Trịnh Sướng mua hóa chất để làm gì. Bị cáo khai không quan tâm việc Hậu mua dung môi của ai để bán cho mình. Tuy nhiên, bị cáo vẫn biết một số công ty, nhớ là có mua của Công ty Bình Minh.

“Tôi kinh doanh xăng dầu, có gặp Hồ Xuân Cường nhưng không thân thiết. Sau này bị cáo mới biết bị cáo Cường thành lập công ty, còn không nhớ cụ thể công ty gì", Trịnh Sướng nói.
Bị cáo khai trả hoa hồng 150 đồng/lít khi Công ty Tấn Phúc mua dung môi của Công ty Bình Minh. Phương thức thanh toán là chuyển khoản. "Việc bên Công ty Tấn Phúc hưởng chênh lệch, phía bị cáo Cường không biết” - Trịnh Sướng khai.
 
Cáo trạng buộc tội Trịnh Sướng bàn bạc với Nguyễn Thị Hồng Thủy thành lập Cửa hàng sơn Gia Hưng Phát cuối năm 2018, nhờ Huỳnh Thị Âu Kim đứng tên làm đại diện pháp luật để mua dung môi, hoá chất…
 
Trả lời câu hỏi về cách pha trộn xăng giả, Trịnh Sướng khai đã pha trộn xăng giả theo tỉ lệ 40% xăng nền (thật) và 60% còn lại là dung môi, hóa chất. Phụ màu Azo được các bị cáo mua ở chợ Kim Biên để tạo màu phù hợp từng loại xăng. “Tôi pha trộn là sai, nhưng chất lượng xăng đạt 90%”, Trịnh Sướng trả lời.
 
Bị cáo này còn nói thêm, việc sản xuất xăng A92 lợi nhuận chênh lệch được 400 đồng/lít, còn xăng A95 lợi nhuận 800 đồng/lít so với các đại lý đầu mối phân phối.

Tuy nhiên số xăng A92 được sản xuất giả này lại chiếm tới 70% sản lượng xăng giả bán ra thị trường là “do nhu cầu của người tiêu dùng muốn giá thấp, giảm chi phí”, bị cáo Sướng khai.
Xăng pha trộn được bán cho những người tiêu dùng nông nghiệp, thủy sản, xe cơ giới. Bị cáo khai sử dụng sà lan, tàu của Công ty Mỹ Hưng để vận chuyển xăng giả nhưng không nhớ số lượng bao nhiêu tàu.
 
Trong khi đó, bị cáo Mai Trung Hậu lại khai quen biết với Trịnh Sướng từ năm 2014. Sau đó, Hậu đã nhập dung môi từ Cty cổ phần dầu khí Bình Minh (tại TP Hồ Chí Minh) và của nhiều doanh nghiệp khác để bán cho Trịnh Sướng, hưởng lợi 50 đồng/lít. Dù thừa nhận hành vi sai phạm nhưng bị cáo cho rằng cáo trạng của Viện Kiểm sát truy tố quá nặng.

Còn bị cáo Hồ Xuân Cường, Giám đốc Công ty cổ phần TMDV Petro Tấn Phúc (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) khai đã mua dung môi cho Công ty Cổ phần dầu khí Bình Minh để bán cho Trịnh Sướng.
 
Theo cáo trạng, cơ quan điều tra xác định đầu năm 2017, Mai Trung Hậu mua dung môi, hoá chất nhiều doanh nghiệp bán cho Trịnh Sướng. Hậu hưởng chênh lệch 50 đồng/lít dung môi, 50 đồng/kg hóa chất xăng RON.
 
Còn Hồ Xuân Cường hưởng chênh lệch 150 đồng/lít dung môi mua vào và 50 đồng/lít ghi trên hóa đơn GTGT. Cụ thể, Cường xuất khống 38 hóa đơn GTGT với số tiền hơn 348 tỷ đồng, tương ứng với hơn 17 triệu lít xăng giả và được hưởng lợi hơn 3,2 tỷ đồng.
 
 
Hà Ly