Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã gặp khó trong xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản. Lúc này thị trường trong nước gần 100 triệu dân được xác định là cứu cánh. Nhưng cách nào để định vị trên sân nhà? Từng chinh phục hàng trăm thị trường lớn, nhỏ trên thế giới, song hành trình chuyển hướng về nội địa của thủy sản Việt Nam khá gian nan, chủ yếu xuất phát từ chính sự e dè của người dân.
Cú hích lớn từ EVFTA cho ngành xuất khẩu tôm
Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ trên toàn thế giới, khiến nhiều doanh nghiệp trong nước phải thu hẹp quy mô, tạm ngưng hoạt động hoặc ngừng hẳn. Nhiều sản phẩm sản xuất ra nhưng sức tiêu thụ yếu, vẫn còn một số
hàng thủy sản tiếp tục phải giải cứu. Dự báo giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2020 đạt 8,26-8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8 năm 2020 ước đạt 800 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2020 đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 đã mang đến hy vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm. Bởi ngay khi
EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang đây lập tức về 0%. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến cuối năm 2020 dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19.
EVFTA mang đến cơ hội rộng mở thi phần tôm ở nhiều thị phần
EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn 4 của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc; chiếm 13,3% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Sau khi giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt từ tháng 8 - thời điểm EVFTA có hiệu lực. Số liệu thống kê tháng 7 và 8/2020 cho thấy xuất khẩu tôm sang thị trường châu Âu (EU) có dấu hiệu tăng nhẹ so với những tháng trước đó và so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tháng 8/2020, xuất khẩu tôm sang EU có thể tăng khoảng 20% so với tháng 8/2019.
Dự kiến trên dựa trên lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà nhập khẩu của EU cũng sẽ tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn để được hưởng ưu đãi thuế.
Các mặt hàng chế biến, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình vẫn được ưa chuộng. Tại châu Âu, dịch bệnh Covid-19 đã có tác động nhiều tới xu hướng của các nhà nhập khẩu châu Âu và thói quen tiêu thụ tôm của người dân châu Âu. Nhu cầu tôm tại lĩnh vực dịch vụ nhà hàng giảm mạnh trong khi nhu cầu tại các hệ thống bán lẻ tăng do người dân mua về chế biến tại nhà. Tiêu thụ các sản phẩm tôm tươi ít hơn trong khi các sản phẩm đông lạnh, đóng gói ăn liền, sản phẩm đóng gói kiểu MAP tăng.
Gần đây người tiêu dùng châu Âu ngày càng chủ động quan tâm đến sản phẩm bền vững. Dịch Covid-19 càng đẩy mạnh thêm xu hướng này. Họ cần sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, lành mạnh, được sản xuất an toàn và vệ sinh.
Covid-19 đã có ảnh hưởng nhiều tới ngành tôm: sản xuất từ trang trại tới nhà máy giảm, logistic bị ảnh hưởng, xu hướng tiêu thụ tôm của người dân châu Âu cũng thay đổi. Khi được hỏi về dự báo trong thời gian tới, các chuyên gia ngành tôm EU cho rằng, sự cạnh tranh tại tất cả các phân khúc kinh doanh tôm sẽ tăng, người tiêu dùng tập trung nhiều hơn tới sản phẩm lành mạnh, bền vững và truy xuất được nguồn gốc, các công ty dịch vụ thực phẩm và nhà cung cấp của họ sẽ còn phải chịu áp lực lâu dài, doanh số bán lẻ (trực tuyến) tiếp tục tăng.
Nhu cầu tôm cho phân khúc bán lẻ đang được cải thiện hơn khi chuẩn bị tới các kỳ nghỉ lễ. Các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại, ngành du lịch cũng đang bắt đầu khởi động. Tình hình có vẻ đang khả quan hơn những vẫn khó đưa ra được các dự báo chính
Bỏ quên thị trường nội địa không khác nào tự bắn vào chân mình
Nhớ lại thời Việt Nam bắt đầu xuất khẩu tôm, nồi tôm kho tàu ở nông thôn ĐBSCL biến mất. Trẻ em thèm quá cũng chỉ có thể được ăn đầu tôm bởi tôm nguyên con quá đắt. Nhưng đó là lúc cả nước còn nghèo, phải ưu tiên thứ tốt nhất cho xuất khẩu lấy ngoại tệ để đổi máy móc, xăng dầu. Còn bây giờ, phần lớn người Việt đã không còn phải nhịn miệng đãi khách như trước nữa. Bằng chứng là trong năm 2019, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 40 tỉ USD, nhập khẩu nông sản của Việt Nam cũng đạt hơn 30 tỉ USD. Riêng với nhóm hàng rau củ quả, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỉ USD thì trị giá nhập khẩu cũng đã bằng một nửa với hơn 1,75 tỉ USD.
Những con số này nói lên rằng người Việt bây giờ đã đủ điều kiện để chi cho những bữa ăn ngon và sạch theo chuẩn
hàng nhập khẩu. Nên, nếu sản xuất trong nước bỏ qua thị trường nội địa 100 triệu dân thì đúng như Thủ tướng nói, đó là thiếu trách nhiệm với dân.
Thị phần trong nước đang bị các nhà đầu tư nước ngoài xâu xé
Nhìn một cách tổng thể, dù Việt Nam có dân số đông và tiêu thụ một lượng thủy sản lớn nhưng đa phần thủy sản tươi sống và nguồn cung cấp là các hộ gia đình nuôi trồng và chế biến thủy sản. Chỉ có một số ít doanh nghiệp xem thị trường nội địa là thị phần chính (và đa phần là những doanh nghiệp trong câu lạc bộ doanh nghiệp cung cấp hàng thủy sản cho thị trường nội địa của VASEP). Vì thế, nếu đánh giá hiệu quả mối liên hệ giữa người nuôi trồng thủy sản và kênh tiêu thụ sẽ rất khó xác định và chưa ai đưa ra được giải đáp cho câu hỏi này một cách thỏa đáng.
Sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn thế giới, việc đóng cửa các biên giới đồng nghĩa với việc xuất khẩu gặp khó khăn. Để tạo lối thoát cho chính mình các doanh nghiệp tôm cũng đang tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước. Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu, nếu muốn phát triển thêm thị trường nội địa, cũng cần có thời gian và kế hoạch để từng bước chuyển hướng, xây dựng dòng sản phẩm phù hợp.
Theo các DN, hiện nay, phần lớn DN thủy sản tiêu thụ tại thị trường trong nước phải thông qua các siêu thị, nhưng hiện mức chiết khấu cao khiến cho nhiều DN, nhất là DN nhỏ không mặn mà bởi có khi mức chiết khấu chiếm tới 20% doanh thu của DN. Nhiều DN chấp nhận mức chiết khấu cao chỉ để hàng hóa có mặt trong siêu thị nhằm quảng bá thương hiệu, còn doanh thu chính vẫn phụ thuộc vào XK. Mặt khác, cái khó của tiêu thụ tôm đông lạnh tại thị trường trong nước là thói quen sử dụng hàng tươi sống của người Việt. Đại diện Cty CP Tập đoàn thủy sản
Minh Phú cho biết, hiện thị phần nội địa chỉ chiếm không quá 1% doanh thu hằng năm. Mặc dù khâu chế biến XK và tiêu thụ nội địa đều trên một dây chuyền hiện đại như nhau nhưng DN vẫn khó khăn trong phân phối trong nước, nhất là tâm lý người tiêu dùng cho rằng sản phẩm nội địa là hàng XK lỗi, phải trả về.
Chính vì tiêu thụ trong nước có những khó khăn mà trước đây nhiều DN chưa mặn mà lắm, các DN chưa chú trọng vào mở các điểm bán hàng, mạnh ai lấy làm nên tiêu thụ tôm tại thị trường trong nước chưa đạt doanh thu cao.
Về định hướng lâu dài, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, để chinh phục thị trường nội địa, ngành thủy sản cần gia tăng chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm; sản xuất, nuôi trồng, chế biến thủy sản cần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm...
Vụ việc gần đây của "Vua Tôm" Minh Phú khi bị Mỹ áp đặt thuế như tôm Ấn Độ là một trong những chủ đề nóng mấy ngày gần đây của ngành thủy sản Việt Nam. Tuy hiệp định EVFTA đã được thông qua thị trường rộng mở với tôm xuất khẩu Việt Nam, tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi do hiệp định mang lại cũng không ít khó khăn rào cản với tôm việt như hạn chế định lượng, quản lý về giá hay kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh dịch tễ. Chính vì vậy, bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, có chăng các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nên chú trọng hơn đến thị trường nội địa.
Khi thị trường xuất khẩu đang bị ngưng trệ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản ở
thị trường nội địa là giải pháp bền vững và sáng suốt. Bởi thực tế một bộ phận không nhỏ người dân chưa được sử dụng thực phẩm do chính nước mình sản xuất. Bên cạnh đó theo tính toán của Bộ Công Thương, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); chi tiêu hộ gia đình dự báo tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714USD/tháng vào năm 2020, thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, tỉ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực (trên 70%).
Nguyễn Dung(t/h)