Toàn cảnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, dự báo năm 2022

Nguyễn Minh Quyết 07:00 | 31/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2021, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ 4, các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài, đặc biệt là quý 3/2021 cùng với nhiều nguyên ngân chủ quan và khách quan khác đã tác động không nhỏ đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Ảnh minh họa: Justin Bùi.  

Nhiều đơn vị chưa phân bổ hết kế hoạch vốn

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối tháng 12/2021 vẫn còn 13/50 bộ, cơ quan trung ương và 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đã được giao.

Cụ thể, tổng số vốn từ nguồn ngân sách nhà nước đã phân bổ là 505.179 tỷ đồng, đạt hơn 109% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (461.300 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 67.274 tỷ đồng.

Do vậy, nếu không tính số kế hoạch vốn các địa phương giao tăng là 67.274 tỷ đồng thì tổng số vốn đã phân bổ là gần 437.905 tỷ đồng, đạt khoảng 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là hơn 23.395 tỷ đồng, chiếm 5,07% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn trong nước khoảng 15.854 tỷ đồng, vốn ngoài nước gần 7.541 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đối với nguồn ngân sách trung ương, có 13/50 bộ, cơ quan trung ương và 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguyên nhân của việc chậm phân bổ vốn đầu tư công theo Bộ Tài chính là do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới năm 2021 do các dự án này chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, chưa phân bổ cho các dự án, nhiệm vụ quy hoạch chưa đủ thủ tục; các dự án ODA chưa ký hiệp định hoặc đang điều chỉnh hiệp định; các dự án có thời gian bố trí vốn quá thời gian so với quy định (nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá ba năm). 

Bộ Tài chính cho biết đã có một số bộ, ngành kiến nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021 do không có nhu cầu sử dụng, không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn đã được giao.

Ngoài ra, một số bộ, ngành, địa phương được điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021, theo Quyết định số 1915/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ đang thực hiện các thủ tục phân bổ, điều chỉnh kế hoạch vốn.

Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, có 51/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 8/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương, trong đó, một số địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: Khánh Hòa (33,38%), TP HCM (24,44%), thành phố Cần Thơ (20,62%).

Sau khi nhận được báo cáo phân bổ vốn của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã rà soát và có ý kiến đối với các trường hợp phân bổ vốn không đúng quy định và đề nghị các bộ, địa phương rà soát, phân bổ vốn, đảm bảo theo đúng quy định Luật Đầu tư công và Quyết định số 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 93,47%

Về giải ngân tổng kế hoạch vốn năm 2021, không bao gồm 16.000 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Thủ tướng Chính phủ giao, tổng kế hoạch là 608.856 tỷ đồng, bao gồm kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2021 là 80.282 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2021 là 528.574 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 12/2021, ước thanh toán cả năm gần 415.000 tỷ đồng, đạt hơn 68%.

Về giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2021, ước thanh toán cả năm hơn 58.200 tỷ đồng, đạt hơn 72% kế hoạch.

Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ giải ngân 12 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (82,66%); trong đó vốn trong nước đạt 83,66% (cùng kỳ năm 2020 là 87,12%), vốn nước ngoài đạt 26,77% (cùng kỳ năm 2020 đạt 46,06%). 

Theo số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước đến hết tháng 1/2022, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 93,47% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt, giải ngân các tháng cuối năm tăng mạnh so với 6 tháng đầu năm (64,45% kế hoạch cả năm) và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (64,04%).

Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn đầu, Bộ Tài chính cho biết công tác giao kế hoạch còn chậm, các dự án khởi công mới đến tháng 7, Quốc hội mới thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đến tháng 9, Thủ tướng Chính phủ mới giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nên cuối tháng 9, đầu tháng 10 các bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới phân bổ và giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho các dự án khởi công mới.

Mặt khác, hiện nay, một số đơn vị còn nhiều dự án khởi công mới vẫn đang phải chờ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được thông qua theo quy định tại Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội với tỷ lệ kế hoạch vốn năm 2021 bố trí cho các dự án này rất lớn.

Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cũng là một trong những nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm lại, việc tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ; còn tình trạng thiếu minh bạch và công bằng trong lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn tới người dân cố tình không di dời hoặc khiếu kiện vượt cấp để mong được hưởng thêm quyền lợi trong đền bù giải phóng mặt bằng.

Trong Kỳ họp thứ 3, khóa XVI, HĐND TP Hà Nội diễn ra vào tháng 12/2021, nhiều đại biểu kiến nghị thí điểm tách hạng mục giải phóng mặt bằng riêng khỏi dự án đầu tư nhằm tháo gỡ 'điểm nghẽn' dự án đầu tư công.

Ngoài ra, những yếu tố khách quan như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá vật liệu leo thang, công tác phối hợp chuẩn bị, tổ chức thực hiện dự án còn chưa cụ thể, phân bổ vốn dàn trải, thiếu tập trung,… đều là những nguyên nhân ảnh hưởng đến chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng những yếu tố đặc biệt từ đầu năm đến nay, như giãn cách xã hội, gián đoạn vận chuyển nguyên vật liệu và thiết bị để triển khai thi công, nguyên vật liệu đầu vào tăng giá hay phân tán nguồn lực... khiến giải ngân vốn đầu tư công đối mặt với rất nhiều thách thức.

Trước đó, tại phiên chất vấn Quốc hội vào tháng 11/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm do gặp khó khăn về hành lang pháp lý, công tác chuẩn bị dự án kém, ảnh hưởng của Covid-19 khiến giá nhiên vật liệu tăng cao, thiếu lao động,…

Vị Bộ trưởng cũng nhận một phần trách nhiệm trong chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công. Ông Dũng hứa với các đại biểu khắc phục vấn đề này thời gian tới.

VNDirect: Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20-30% so với thực tế 2021

Báo cáo chuyên đề mới đây của CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và nhiều điểm nghẽn trong công tác thực hiện dự án, giải ngân đầu tư công của Việt Nam trong năm 2020-2021 đều không đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, khi chỉ hoàn thành lần lượt 96,6%-84,3% kế hoạch năm.

Do đó, Chính phủ đang rất quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 với hàng loạt động thái quyết liệt.

Ảnh chụp màn hình.  

VNDirect nhận định kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 14% so với kế hoạch năm 2021 lên 572.000 tỷ đồng nhờ dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 là 526.000 tỷ đồng và khoảng 46.000 tỷ đồng vốn từ Chương trình kích thích và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023.

Trong năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công sẽ tiếp tục tăng 7% so với cùng kỳ lên 609.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, VNDirect cho rằng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20-30% so với giải ngân thực tế năm 2021. Công ty chứng khoán chỉ ra nguyên nhân do nguồn vốn bổ sung phát triển kết cấu hạ tầng từ gói kích thích kinh tế mới được thông qua.

Tiến độ giải ngân một số dự án trọng điểm

Đối với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, lũy kế vốn đã bố trí cho dự án từ năm 2018 đến năm 2020 là 22.855,035 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2018 là 4.500 tỷ đồng, năm 2019 là 6.990 tỷ đồng, năm 2020 là 6.705,035 tỷ đồng, năm 2021 là 4.660 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến tháng 12/2021 đã giải ngân là 13.251,535 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch đã giao, trong đó kế hoạch năm 2021 giải ngân là 908,314 tỷ đồng, đạt 19,5%.

Ảnh chụp màn hình.  

Đối với dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, số vốn giải ngân đến tháng 12/2021 là hơn 12.000 tỷ đồng, đạt 82,6% kế hoạch năm 2021 được giao là hơn 14.568 tỷ đồng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, đến ngày 9/12, đã bàn giao mặt bằng với chiều dài tuyến 652,395/652,86 km (đạt 99,9%); hoàn thành 79/83 khu tái định cư (đạt 94%); đang triển khai thi công 4 khu; riêng một khu tái định cư thuộc dự án Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dự kiến hoàn thành công tác xây dựng vào cuối năm 2021 (hiện nay địa phương đã bố trí tạm cư).

Về tình hình triển khai thi công, hiện đã khởi công xây dựng 11/11 dự án thành phần.

Cụ thể, dự án cao tốc đoạn Cao Bồ - Mai Sơn sẽ được thông xe tạm thời từ ngày 28/1 để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu, đến tháng 12/2021, khối lượng hoàn thành tại dự án đạt 43,7% giá trị các hợp đồng, tiến độ đáp ứng kế hoạch đề ra; riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn khối lượng hoàn thành tại dự án đạt 70,2% giá trị các hợp đồng xây lắp.

Đến nay, tổng sản lượng thi công dự án cao tốc đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 đạt hơn 3.334 tỷ đồng, tương đương 48,5% giá trị hợp đồng. Với việc thi công xuyên Tết, dự kiến đến hết tháng 2/2022, sản lượng thi công dự án sẽ được nâng lên xấp xỉ 50%, tiến độ thực hiện dự án đến nay cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra.

Sau hơn một năm thi công, cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 cơ bản thành hình, toàn tuyến đạt hơn 48% tổng khối lượng. (Ảnh: TTXVN).  

Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết khối lượng hoàn thành tại dự án đạt 17,83% giá trị các hợp đồng và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây khối lượng hoàn thành đạt 24,23% tổng giá trị hợp đồng, tiến độ thực hiện hai dự án này đến nay có chậm so với kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về nguồn cung vật liệu đất đắp trong giai đoạn đầu triển khai dự án,...

Riêng đối với đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết thì nguyên nhân chủ quan từ nhà thầu thi công chưa chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai thi công.

Đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn khối lượng hoàn thành tại dự án đạt 7,09% giá trị các hợp đồng; đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu khối lượng hoàn thành tại dự án đạt 7% giá trị các hợp đồng, tiến độ thực hiện hai tiểu dự án đến nay cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra. 

Về ba dự án đầu tư theo hình thức PPP, đến tháng 12/2021, với đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt hiện nhà đầu tư đang thực hiện công tác chuẩn bị thi công và thực hiện các thủ tục huy động tín dụng; khối lượng hoàn thành tại dự án đạt 0,5% giá trị chi phí xây lắp, hiện dự án đang chậm tiến độ so với tiến độ quy định trong Hợp đồng dự án. Nhà đầu tư đã góp 630/571 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Với đoạn Nha Trang - Cam Lâm, hện nhà đầu tư đang thi công và thực hiện các thủ tục huy động tín dụng. Đến nay khối lượng hoàn thành tại dự án đạt 15% giá trị chi phí xây lắp. Nhà đầu tư đã góp 514/511 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Còn với đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hiện nhà đầu tư đã có thông báo khởi công và triển khai một số công việc trên hiện trường; doanh nghiệp dự án đã ký hợp đồng tính dụng với Ngân hàng TP Bank (1.700 tỷ đồng) và hai hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với tổng vốn huy động là 1.056 tỷ đồng. Giá trị sản lượng đạt khoảng 1% giá trị chi phí xây lắp. Nhà đầu tư đã góp 731/1.030 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), năm 2021, tổng kế hoạch vốn của Bộ là hơn 43.200 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 12/2021, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân được hơn 37.170 tỷ đồng, đạt 85,6% kế hoạch.

Để kết quả giải ngân kế hoạch cả năm đạt tối thiểu 96% đáp ứng mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 63 của Chính phủ, tới hết tháng 1/2022, Bộ phải tiếp tục giải ngân tối thiểu 4.494 tỷ đồng.

Bên cạnh các đơn vị có kết quả giải ngân tốt, tính đến hết tháng 12/2021, một số đơn vị vẫn có kết quả giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu, thấp hơn mức trung bình chung của Bộ (85,6%) như: Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, Ban quản lý dự án Đường thủy, Ban Ban quản lý dự án 2, Ban Ban quản lý dự án 85, các Sở Giao thông vận tải: Hà Nam, Cà Mau, Kon Tum và Thanh Hóa.