Dự báo nào cho tăng trưởng tín dụng 2024?

Diên Vỹ 15:42 | 04/09/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong danh sách 13 ngân hàng được MBS theo dõi, một số ngân hàng được kỳ vọng đạt tăng trưởng tín dụng 2024 cao bao gồm ACB, HDB, MBB, TCB, VPB…

 

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023. Trong khi đó,  ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức khoảng 15% tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1. 

Sau quý I tăng trưởng yếu, tín dụng đã được cải thiện kể từ tháng 4/2024 nhờ sự phục hồi của sản xuất và tiêu dùng. Theo Tổng cục Hải Quan, tính đến hết 15/8/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 16% so với cùng kỳ và nhập khẩu tăng 18%; thặng dư thương mại đạt 15,49 tỷ USD. Hoạt động sản xuất tăng trưởng ổn định liên tiếp trong nhiều tháng liên tiếp với chỉ số PMI đạt 52,4 điểm trong tháng 8, giảm nhẹ so với tháng trước do tăng trưởng đơn hàng mới có phần chậm lại song sản lượng và số lượng đơn hàng mới vẫn tăng đáng kể nhất trong hơn hai năm.

Chứng khoán MB (MBS) nhận định rằng nhóm NHTM quy mô lớn đang dẫn dắt tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống trong khi tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng quốc doanh vẫn đang chậm vì hoạt động trả trước tăng mạnh nhờ lãi suất thấp.

 Theo BCTC quý II của ngân hàng, tính đến thời điểm 30/6/2024, một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao trong hệ thống là LPBank (15,2%), Techcombank (12,9%), ACB (12,8%), HDBank (12,6%)…  Ảnh: MBS

Dự báo về tăng trưởng tín dụng cả năm, nhóm phân tích MBS kỳ vọng cho vay bán lẻ dự kiến sẽ phục hồi mạnh hơn trong các tháng cuối năm 2024 dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô nhờ hiệu ứng từ lãi suất cho vay thấp. 

“Tính đến 7 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số bán lẻ ghi nhận mức tăng trưởng 8,7% svck. Chúng tôi tin rằng hoạt động cho vay mua nhà sẽ giữ tốc độ tăng trưởng tương tự như trong 6 tháng đầu năm 2024 chủ yếu nhờ sự phục hồi của giao dịch bất động sản thứ cấp”, nhóm phân tích nhận định. 

Còn đối với mảng khách hàng doanh nghiệp, MBS dự báo hoạt động nhập khẩu và xây dựng hạ tầng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2024. 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ầu tư công nhích lên 2,3% trong 7 tháng đầu năm trong khi đầu tư tư nhân cũng ghi nhận tăng trưởng 6,7% trong nửa đầu năm 2024. Các chuyên gia kỳ vọng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tăng cường giải ngân các dự án đầu tư công trong nửa cuối 2024 như sân bay Long Thành và cao tốc Bắc Nam để hoàn thành 95% kế hoạch Thủ tướng giao. 

Cùng đó, kỳ vọng hoạt động nhập khẩu sẽ tăng 15-16% vào năm 2024, nhờ mức tăng trưởng vững chắc trong những tháng qua. Tuy nhiên, về phía thách thức, có thể thấy thị trường bất động sản đang phục hồi thấp hơn dự kiến dù MBS nhận thấy một số dấu hiệu phục hồi tích cực như (i) tỷ lệ hàng tồn kho trên tài sản của các công ty bất động sản tăng nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2024; (ii) doanh thu thuế liên quan đến đất đai tăng cao được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm svck. 

Với những yếu tố này, MBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14% trong năm 2024 với kịch bản tăng trưởng GDP đạt 6,5%. 

Đáng chú ý, các chuyên gia cho rằng những ngân hàng có thể đạt tăng trưởng tín dụng cao hơn trong phần còn lại của năm sẽ là những ngân hàng có NIM cao hơn: một số ngân hàng có thể hy sinh (NIM) bằng cách giảm lãi suất cho vay, bao gồm: VPB, MBB, TCB và HDB.

Bên cạnh đó, các ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc đã được kiểm chứng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 (tính đến thời điểm hiện tại) cũng được đánh giá sẽ có vị thế tốt hơn trong tăng trưởng tín dụng, như ACB, VCB, TCB… Theo nhóm phân tích, các ngân hàng này có thể vượt qua áp lực trích lập dự phòng trong các quý tới khi tín dụng tiếp tục tăng trưởng.

Cuối cùng, những ngân hàng chứng tỏ được khả năng hấp thụ tín dụng trong bối cảnh áp lực trả trước cao trong năm 2023 và 6 tháng đầu 2024 cũng được nhận định có khả năng duy trì tăng trưởng tín dụng cao. Khả năng phục hồi này đặc biệt có giá trị do nhu cầu yếu đã trải qua từ nửa cuối năm 2023 đến nay.

 Trong danh sách 13 ngân hàng được MBS theo dõi, một số ngân hàng được kỳ vọng đạt tăng trưởng tín dụng 2024 cao bao gồm ACB, HDB, MBB, TCB, VPB... Ảnh: MBS

Cùng quan điểm lạc quan này, nhóm chuyên gia khối nghiên cứu của VPBankS cho rằng tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm đạt mục tiêu nhờ động lực từ tăng trưởng GDP Việt Nam tích cực trong quý II/2024 (đạt 6,93%) và lũy kế 2 quý đầu 2024 (đạt 6,42%) trong bối cảnh du lịch đã quay trở lại mức trước COVID-19, sản xuất tăng trưởng mạnh trong khi FDI, xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục hỗ trợ.

Do đó, VPBankS cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng dự phóng năm nay (14,83%) có thể đạt được khi kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh nửa cuối năm và khả năng Fed sớm hạ lãi suất, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ “đi ngược” thế giới của Việt Nam.