Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP: Đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và ngành thép nước nhà

22:00 | 26/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sự ra đời của Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP (VNSTEEL) gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước và của ngành công nghiệp luyện kim, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành công nghiệp thép trong nước

Lịch sử hình thành và phát triển của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL)

Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) được thành lập trên cơ sở hợp nhất những đơn vị sản xuất kinh doanh của ngành thép Việt Nam là Tổng công ty Kim khí và Tổng công ty Thép. Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP tiền thân là Tổng Công ty Thép Việt Nam, được thành lập theo quyết định ngày 29/04/1995.

Tổng Công ty Thép chuyên sản xuất gang thép với các cơ sở chủ lực là Công ty Gang thép Thái Nguyên, Công ty Thép Miền Nam và Công ty Thép Đà Nẵng

Tổng Công ty Kim khí chuyên tổ chức kinh doanh kim khí với hệ thống tiêu thụ rộng khắp tại các khu công nghiệp tập trung, các tỉnh, thành phố và vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước.

Từ năm 1996- 2006, Tổng Công ty Thép Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo mô hình Tổng Công ty 91. Đến ngày 1/7/2007, Tổng Công ty đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và các quy chế vận hành nội bộ chuyển sang hoạt động thép mô hình Công ty mẹ - Công ty con theo Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 23/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 18/4/2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 552/QĐ-TTg về việc phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thép Việt Nam; sau đó là Quyết định 1517/QĐ-TTg ngày 05/9/2011 điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ của Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP.

Giới thiệu về Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP

Sự ra đời của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước và của ngành công nghiệp luyện kim, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành công nghiệp thép trong nước. Hiện nay, VNSTEEL hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần với hơn 50 đơn vị trực thuộc, công ty con và công ty liên kết.

Hệ thống VNSTEEL gồm các đơn vị có quan hệ mật thiết về lợi ích kinh tế, tài chính, công nghệ, cung ứng, tiêu thụ, dịch vụ, thông tin, đào tạo, nghiên cứu, tiếp thị, xuất nhập khẩu; có các nhà máy sản xuất, cơ sở khai thác mỏ, mạng lưới kinh doanh và dịch vụ, viện nghiên cứu, trường học... trong phạm vi toàn quốc và hoạt động chủ yếu trong ngành thép. Hiện tại các doanh nghiệp trong hệ thống VNSTEEL cung cấp trên 50% nhu cầu thép xây dựng và khoảng 30% nhu cầu thép cán nguội trong nước.

Với tiêu chí chất lượng sản phẩm và dịch vụ hàng đầu, trong những năm qua VNSTEEL đã không ngừng đầu tư mới, thay thế các trang thiết bị lạc hậu bằng công nghệ, thiết bị tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm. VNSTEEL đang sở hữu nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại nhất trong nước và ngang tầm với các quốc gia khác trên thế giới. VNSTEEL luôn đảm bảo các sản phẩm sản xuất ra đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu và đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

Định hướng chiến lược phát triển đến năm 2015, tầm nhìn 2025, VNSTEEL sẽ trở thành Tổng Công ty thép liên hợp hàng đầu Việt Nam đa ngành nghề, đa sở hữu trên cơ sở chủ đạo là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thép, giữ vai trò chủ lực trong ngành thép Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Cùng với việc phát triển thị trường nhằm giữ vững vị trí hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thép tại Việt Nam cũng như trong khu vực, VNSTEEL chú trọng đầu tư để phát triển bền vững; đồng thời cam kết bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên quốc gia; quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCPChặng đường 25 năm xây dựng và phát triển cùng đất nước

Trong năm vừa qua, thị trường kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai bão lũ và cạnh tranh gia tăng trong ngành, Tổng công ty Thép Việt Nam vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và một số chỉ tiêu chính có tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn là thép xây dựng (thép dài) giữ được ổn định; trong khi đó lĩnh vực thép dẹt (cán nguội, tôn mạ) có nhiều chuyển biến tích cực và đạt tăng trưởng cao.

Giới thiệu về Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP

Ngành thép Việt Nam được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều điều kiện, cơ hội để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới. Tiếp tục bứt phá hơn nhờ hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công cũng như thị trường bất động sản nhà ở có thể nóng trở lại. Ðiều này sẽ có tác động tích cực giúp ngành thép đạt mức tăng trưởng hai con số trong năm nay. Tuy nhiên, theo đánh giá, ngành thép vẫn phải xoay xở với cuộc khủng hoảng thừa, tình trạng này sẽ còn kéo dài nếu không có hoạch định về chiến lược phát triển một cách đồng bộ cũng như biết tận dụng các cơ hội xuất khẩu lớn đang mở ra.

Kết quả sản xuất kinh doanh những năm gần đây của VNSTEEL luôn được thể hiện qua những con số tích cực, hầu hết doanh số năm sau đều cao hơn năm trước, tạo hứng khởi và nhiệt huyết làm việc cho toàn hệ thống.

Theo đó, năm 2020, sản xuất phôi thép toàn công ty đã đạt 2,359 triệu tấn, đạt 107% kế hoạch và giảm 5% so cùng kỳ; tiêu thụ 697.727 tấn, đạt 117% kế hoạch và giảm 7% so cùng kỳ. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng đạt xấp xỉ 110% kế hoạch đề ra và giảm 2 – 3% so với cùng kỳ, một phần do từ tháng 6/2020, Tổng công ty thoái vốn tại Công ty Thép Tây Đô do vậy cũng làm giảm sản lượng chung của Tổng công ty. Tiêu thụ thép xây dựng đạt trên 3,25 triệu tấn. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các đơn vị sản xuất thép từ lò điện (khối thép /V/, Vinakyoei) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng thép xây dựng của Tổng công ty. Một số đơn vị như Vinausteel, Thép Nhà Bè, Natsteelvina có tăng trưởng tốt về tiêu thụ trong năm 2020.

Trước biến động thị trường do dịch Covid-19 trong năm 2020, nhu cầu đối với gia công cán nguội tăng cao, lượng tiêu thụ Thép cán nguội toàn hệ thống Tổng công ty đã hoàn thành vượt kế hoạch 40% và tăng cao 39% so cùng kỳ. Trong đó riêng sản lượng gia công của PFS tăng 200% so cùng kỳ và TNFS tăng 136% so cùng kỳ.

Năm 2020 cũng là một năm thành công của các đơn vị sản xuất trong lĩnh vực tôn mạ khi lượng tiêu thụ tôn mạ hoàn thành vượt 10% so với kế hoạch và tăng trưởng 11% so cùng kỳ. Tận dụng các cơ hội của thị trường, trong quý II, III các đơn vị đã đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh doanh cao.

Năm 2020 doanh thu thuần tổng hợp của toàn hệ thống VNSTEEL đạt 78.169 tỷ đồng. Trong đó, Công ty mẹ đạt 2.488 tỷ đồng, bằng 163,8% kế hoạch năm 2020; khối công ty con đạt 41.675 tỷ đồng, bằng 93,8% so với cùng kỳ năm trước; khối công ty liên kết đạt 34.005 tỷ đồng.Lợi nhuận trước thuế tổng hợp của toàn hệ thống đạt 891 tỷ đồng. Trong đó, Công ty mẹ đạt 56 tỷ đồng; Khối công ty con đạt 621 tỷ đồng, lợi nhuận tính trên tỷ lệ vốn góp năm 2020 lãi 524 tỷ đồng; Khối công ty liên kết đạt 213 tỷ đồng, lợi nhuận tính trên tỷ lệ vốn góp năm 2020 lãi 69 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tính tổng doanh thu hợp nhất năm 2020 của Tổng Công ty Thép Việt Nam đạt 30.000 tỷ đồng, bằng 100% so với kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 260 tỷ đồng.

Giới thiệu về Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP

Kết quả tích cực trên cho thấy, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực, tác động xấu đến nhiều ngành sản xuất của nước ta, trong đó có ngành thép, tuy nhiên Tổng công ty Thép Vệt Nam đã có những bước đi phù hợp để củng cố nguồn lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường, thể hiện sự cố gắng vượt bậc của đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong toàn Tổng công ty. Kết quả này còn có ý nghĩa đặc biệt khi năm 2020, Tổng công ty đã phải tập trung nguồn lực lớn để phối hợp với các cấp xử lý tồn tại từ giai đoạn trước của 2 dự án là Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (Tisco) và dự án Khoáng sản Luyện kim Việt Trung (VTM).

Năm 2021, tăng trưởng nhu cầu thép trong nước dự kiến sẽ phục hồi trở lại mức bình thường là 8% so với mức thấp trong năm trước, theo Trung tâm Phân tích CTCK SSI (SSI Research) nhận định trong báo cáo ngành thép công bố giữa tháng 1/2021. Các động lực thúc đẩy nhu cầu thép bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI, điều này cũng giúp thúc đẩy hoạt động xây dựng dân dụng dọc theo các công trình cơ sở hạ tầng và dự án FDI.

Bên cạnh đó, nhu cầu từ xuất khẩu được giới chuyên môn đánh giá là tích cực. Nguồn cung tại trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc là Vũ Hán chưa hồi phục do các tập đoàn bị gián đoạn và phải tổ chức sản xuất lại do tác động của dịch COVID -19.

Bước sang quý 1 năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của Tổng công ty Thép Việt Nam (Mã: TVN) ước đạt 8.680 tỷ đồng, bằng 28,46% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 245 tỷ đồng, gấp 4,7 lần so với với con số 51,8 tỷ đồng của quý I/2020 và bằng 94,23% kế hoạch năm. Như vậy chỉ sau quý I, TVN đã gần hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm.

Trước đó, lãnh đạo TVN cho biết, doanh nghiệp thua lỗ duy nhất trong hệ thống các công ty thành viên của TVN năm 2020 là Công ty Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung (VTM), đã hoạt động có lãi trở lại. Nhờ giá phôi thép tăng cao, VTM có lãi từ tháng 12/2020. Hiện doanh nghiệp này đang xem xét khả năng đầu tư dây chuyền luyện cốc. Nếu có dây chuyền này, VTM nhiều khả năng sẽ thoát lỗ và duy trì lợi nhuận từ chủ động sản xuất phôi thép.

Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển ngành thép trong bối cảnh thị trường ngày càng yêu cầu khắt khe, cạnh tranh gay gắt về giá, chất lượng, đòi hỏi các DN ngành thép phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất, công nghệ, nâng cao trình độ, kỹ năng người lao động, môi trường làm việc, thị trường,... Bên cạnh đó, phải giải quyết triệt để tình trạng mất cân đối cung - cầu trong nước, tạo vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tránh vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại không đáng có. Từ đó, sẽ góp phần nhanh chóng giúp xây dựng ngành thép phát triển đồng bộ, hiện đại, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để các DN mở rộng thị phần trong nước và xuất khẩu.

Xem Thêm: Bộ Công thương: Không có cơ sở việc các công ty thép “bắt tay” đẩy giá

Nguyễn Dung