Tổng cục Thống kê: Thị trường lao động đang phục hồi mạnh mẽ
Quý I/2022, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm mạnh xuống 2,46%
Theo GSO, mặc dù số ca nhiễm COVID-19 trong quý I tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố do làn sóng biến chủng Omicron, thị trường lao động vẫn chứng kiến xu hướng phục hồi trở lại nhờ chiến lược thích ứng an toàn và độ phủ vaccine cao.
Về lực lượng lao động, tính trong quý I/2022, số liệu từ GSO cho biết lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,2 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng khoảng 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 0,2 triệu người.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2022 là 68,1%, tăng 0,4% so với quý trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,9%, ở nông thôn là 69,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ tính đến quý I là 26,1%, không thay đổi so với quý trước và tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,0 triệu người, tăng 962,6 nghìn người so với quý IV/2021 và tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số tăng chủ yếu ở khu vực thành thị (850,2 nghìn người).
Lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên tới 38,7%, tương đương 19,4 triệu người trong tổng số 50,0 triệu người. Tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,5%, tương đương 16,8 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, 27,8%, tương đương 13,9 triệu người.
So với quý trước, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều giảm 426,8 nghìn người, lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 82,7 nghìn người và lao động trong ngành dịch vụ tăng mạnh gần 1,5 triệu người.
Đáng chú ý là sự phục hồi của khu vực lao động phi chính thức. Số người có việc làm phi chính thức chung, bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp, trong quý I là 33,4 triệu người, tăng 97,5 nghìn người so với quý trước dù giảm 992,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số người có việc làm phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản là 21,4 triệu người, tăng 2,0 triệu người so với quý trước và tăng 695,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Với các chính sách hỗ trợ lao động của Chính phủ trong thời gian qua, việc người lao động quay lại doanh nghiệp đã giúp giảm mạnh số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của quý I khoảng 135,2 nghìn người so với quý trước xuống còn 1,3 triệu người. Như vậy, tỷ lệ thiếu việc làm của người trong độ tuổi lao động tính đến quý I đã giảm 0,36% so với quý IV/2021 xuống 3,01%, nhưng vẫn tăng 0,81% so với cùng kỳ năm trước.
Tựu chung, GSO báo cáo tính đến quý I/2022, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 nghìn người so với quý trước và tăng 16,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý là 2,46%, giảm 1,1% so với quý trước và tăng 0,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 2,88%, giảm 2,21% so với quý trước và giảm 0,31% so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân người lao động tăng 1 triệu đồng
Cùng với số lao động tham gia vào thị trường tăng lên, thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động cũng được cải thiện đáng kể.
Cụ thể, theo GSO, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I là 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2021. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam (7,3 triệu đồng) cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (5,4 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị (7,9 triệu đồng) cao gấp 1,43 lần khu vực nông thôn (5,5 triệu đồng).
“Bước sang quý I năm nay, cùng với các chính sách kinh tế thích ứng linh hoạt, thu nhập của người lao động tăng mạnh so với quý trước, tăng 20,1% (tương ứng tăng khoảng 1 triệu đồng/ người/ tháng). So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động tăng khoảng gần 2%, tăng tương ứng khoảng 110 nghìn đồng và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng 216 nghìn đồng/ người/ tháng”, báo cáo của GSO nêu rõ.
Tính theo khu vực kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng là khu vực có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất trong quý I, mức tăng 22,6%, tương ứng hơn 1,3 triệu đồng so với quý IV/2021 lên 7,3 triệu đồng. Lao động làm việc trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, tăng 20,5%, tương ứng gần 1,3 triệu đồng. Tại khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, lao động có thu nhập bình quân là 3,7 triệu đồng, tăng 8,8%, tương ứng khoảng 301 nghìn đồng.
Một số ngành ghi nhận mức tăng thu nhập bình quân lao động cao nhất bao gồm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng/ người/ tháng, tăng 24,2%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng so với quý trước), ngành bán buôn bán lẻ (thu nhập bình quân l7,5 triệu đồng, tăng 23,3%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng); ngành tài chính ngân hàng và bảo hiểm (thu nhập bình quân 10,8 triệu đồng, tăng 16,5%, tương ứng là 1,5 triệu đồng); ngành kinh doanh bất động sản lao động (thu nhập bình quân 10,7 triệu đồng, tăng 32,8%, tương ứng 2,6 triệu đồng); ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt (thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng, tăng 8,4%, tương ứng 736 nghìn đồng).