Tổng cục Thuế giải thích lý do không giảm thuế thu nhập cá nhân?

09:39 | 13/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Tổng cục Thuế, nếu giảm thuế thu nhập cá nhân, thì đối tượng được hưởng chủ yếu rơi vào nhóm có thu nhập nhập cao và không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Dư luận gần đây có phản ánh về việc tính thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động, theo đó đề cập vấn đề “thu nhập giảm vẫn bị trừ thuế và không được đề xuất giảm thuế”.

Nội dung nhằm phản ánh dự thảo Nghị quyết “về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19” đã “bỏ rơi” người làm công ăn lương do không có đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân cho những người này.

Giải thích về vấn đề này, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định của pháp luật, thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân là thu nhập người lao động thực nhận sau khi đã tính các khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc, khoản từ thiện, nhân đạo theo quy định.

Tổng cục Thuế giải thích lý do không giảm thuế thu nhập cá nhân? - ảnh 1

Nếu giảm thuế thu nhập cá nhân, thì đối tượng được hưởng chủ yếu rơi vào nhóm có thu nhập nhập cao

Theo quy định hiện hành, người lao động có thu nhập dưới 11 triệu đồng một tháng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nếu người lao động có hai người phụ thuộc và đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc, mức thu nhập tháng dưới 22 triệu đồng cũng không phải nộp thuế và không bị tạm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

Do vậy, khi đề xuất giải pháp hỗ trợ người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công nhằm tháo gỡ khó khăn trong đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính thấy rằng nếu áp dụng việc giảm thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công trong 6 tháng cuối năm 2021 thì đối tượng được hưởng chủ yếu sẽ rơi vào nhóm có thu nhập cao và không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Bởi, số thuế từ nhóm cá nhân có thu nhập cao chiếm 87% trong tổng số thu từ thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương-tiền công.

Thu nhập làm căn cứ tính thuế là thu nhập người lao động thực nhận, cũng đã được tính các khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo theo quy định.

Để thực hiện việc hỗ trợ đúng đối tượng, ngành thuế đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 (ngày 2/6/2020) về việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh, theo đó mức giảm trừ cho bản thân tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ cho người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Từ đó, quy định mới đã có tác động điều chỉnh giảm thu nhập tính thuế đến khoảng 6 triệu người lao động, giảm thu nguồn thu ngân sách Nhà nước là 10.800 tỷ đồng, trong đó có khoảng 1,2 triệu người lao động đang thuộc diện chịu thuế ở bậc 1-theo quy định mới thuộc diện không phải nộp thuế.

Trong bối cảnh khó khăn, dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhìn chung, dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn bất thường chưa từng có, tác động tới hầu hết các ngành nghề lĩnh vực. Nhiều hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề cũng đã có ý kiến đóng góp về việc tăng liều lượng và mở rộng đối tượng hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp như hiện nay, các dư địa về chính sách tài khoá và tiền tệ không còn nhiều. Chính phủ đang phải giải các “bài toán khó” để làm sao hỗ trợ kịp thời người dân, dooanh nghiệp vượt khó do COVID-19 nhưng vẫn phải bảo đảm ngân sách, giữ các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa chống dịch quyết liệt nhưng vẫn cố gắng tăng trưởng, thực hiện mục tiêu kép đã đặt ra.

H.A

Xem thêm: Thu thuế ngân hàng, bất động sản, chứng khoán tăng mạnh