Tổng giám đốc Masan: Thị trường vốn trong 12 - 18 tháng tới cực kỳ khó khăn

Lâm Anh 15:00 | 08/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
"Thị trường vốn trong 12 – 18 tháng tới cực kỳ khó khăn vì lãi suất ở Mỹ và Việt Nam đang tăng. Cùng với đó là xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nhà đầu tư dùng vốn vào những tài sản an toàn", ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan nhận định.

Vì sao thị trường M&A trầm lắng?

Trong chương trình "Đối thoại đầu tuần" của báo Đầu tư, TS. Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, thị trường M&A Việt Nam khá trầm lắng trong năm 2022 về cả số lượng thương vụ và giá trị thương vụ.

Cụ thể, số lượng thương vụ trong 10 tháng năm nay (350) chỉ bằng một nửa so với năm 2021 (700) khiến giá trị thương vụ giảm từ 11 tỷ USD xuống 5,7 tỷ USD.

Ông Ái cho rằng, thị trường M&A gặp nhiều khó khăn do xung đột Nga và Ukraine. Không những thế, nền kinh tế Mỹ, châu Âu đang mấp mé bờ vực suy thoái khiến khẩu vị ro của các nhà đầu tư suy giảm.

Tuy nhiên, lãnh đạo KPMG cho rằng, thị trường Việt Nam vẫn là điểm sáng nếu so sánh với các thị trường khác trong cùng hoàn cảnh. "Năm nay, trong ngành tài chính, ngân hàng gần như không có thương vụ M&A lớn. Chúng tôi hy vọng sang năm tới, các thương vụ lớn sẽ xuất hiện trong lĩnh vực này khiến thị trường M&A khởi sắc", ông Ái nói.

Ngoài ra, theo ông Ái, những năm qua, việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước chưa có sự chuyển biến tích cực. Nếu trong năm 2023, 2024, một số doanh nghiệp lớn của nhà nước được cổ phần hóa sẽ là cú huých cho thị trường M&A của Việt Nam.

  Thị trường M&A Việt Nam trong năm 2022 kém sôi động so với mọi năm. Nguồn: Báo Đầu tư. 

Đồng quan điểm, ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan cho rằng, thị trường vốn trong 12 – 18 tháng tới cực kỳ khó khăn vì lãi suất ở Mỹ và Việt Nam đang tăng. Cùng với đó là xung đột Nga và Ukraine khiến các nhà đầu tư dùng vốn vào những tài sản an toàn như trái phiếu của chính phủ Mỹ.

“Trước khi xảy ra khủng hoảng, các nhà đầu tư hay đi tìm kiếm cơ hội ở các công ty có nền tảng tốt nhưng lợi nhuận không cao. Ví dụ Uber hay Grab, ba năm qua có giá trị rất cao, nhưng thời gian này, họ không có lợi nhuận nên sức ép, giá trị co lại”, ông Danny Le nhận định.

Theo lãnh đạo Masan, sau giai đoạn khó khăn, các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến các doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận nên việc gọi vốn sẽ khó khăn. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn cơ hội cho các công ty có dòng tiền tốt.

Khẩu vị nhà đầu tư đang thay đổi

Theo Tổng giám đốc KPMG Việt Nam Nguyễn Công Ái, những năm gần đây, các quỹ đầu tư tư nhân trên thị trường M&A rất quan tâm đến thị trường Việt Nam nhưng khẩu vị rủi ro của họ đã khác trước.

Ông Ái cho rằng, hoạt động huy động vốn thiện tại khó hơn và khối lượng vốn huy động được cũng ít hơn. Một phần là có các nhà đầu tư thận trọng hơn khi không còn môi trường kinh tế tiền rẻ.

Mặt khác, thị trường có xu hướng mới khi các quỹ đầu tư khu vực Trung Đông muốn thay đổi cơ cấu kinh tế các nước Trung Đông để không phụ thuộc vào dầu mỏ. Do đó, các quỹ đầu tư muốn đầu tư các startup, lĩnh vực năng lượng tái tạo ở các nước đang phát triển, đạt tốc độ phát triển cao như Việt Nam. Do đó, cơ hội để hợp tác với các quỹ đầu tư Trung Đông là rất lớn.

Theo lãnh đạo KPMG, hiện nay, ở một số các thị trường khác ở châu Á như Trung Quốc đang áp dụng chính sách Zero COVID nên rất khó để thực hiện các thương vụ M&A. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam để tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, ổn định kinh tế vĩ mô và là tiền để các thương vụ M&A cất cánh trong thời gian tới.

Ông Ái đánh giá, trong 1 - 2 năm tới, thị trường M&A chủ yếu dành cho người mua vì thị trường tiền đắt sẽ là thị trường ít vốn hơn. Do đó, các doanh nghiệp muốn bán sẽ phải điều chỉnh về định giá để phù hợp với điều kiện thị trường mới.

“Về mặt cơ hội, Việt Nam vẫn là một điểm sáng so với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta có thể lạc quan về thị trường M&A nhưng chắc chắn kể cả bên mua lẫn bên bán đều phải làm việc tích cực và cẩn trọng hơn trong các quyết định đầu tư của mình", ông Ái chia sẻ.

Còn theo Tổng giám đốc Tập đoàn Masan Danny Le, lúc lãi suất bằng 0% thì mức độ chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư cực kỳ lớn. Còn khi lãi suất tăng, nhà đầu tư thường tìm bến đỗ an toàn hơn nên thương vụ M&A sẽ chậm lại, nhất là các thương vụ đầu tư vào startup.

Ông Danny Le cho rằng, 5 năm qua là cơ hội của nhà đầu tư tài chính. Còn với tình hình kinh tế hiện tại, cơ hội thuộc về các nhà đầu tư chiến lược với tầm nhìn dài hơn, kiên nhẫn hơn. Đồng nghĩa với việc, các thương vụ M&A sẽ xuất hiện nhiều nhà đầu tư chiến lược hơn so với trước.