Tổng thống Biden sắp công du châu Á, chuyến thăm đầu tiên với tư cách ông chủ Nhà Trắng
Mới đây, khi được hỏi liệu cuộc khủng hoảng Ukraine có thể làm Washington xao lãng mối quan tâm đối với châu Á hay không, một quan chức cấp cao trong chính phủ Tổng thống Biden khẳng định: "Chúng tôi vẫn tiếp tục tập trung vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và còn nhiều dự định trong tương lai".
Chia sẻ qua email với Reuters, vị quan chức cho biết ông chủ Nhà Trắng sẽ thực hiện một chuyến thăm châu Á trong năm nay, song không tiết lộ chi tiết các điểm dừng. Đây sẽ là chuyến công du châu Á đầu tiên của ông Biden với tư cách Tổng thống Mỹ.
Trong hơn ba thập kỷ qua, ông Biden đã đến thăm khu vực này nhiều lần, trên cương vị là Thượng nghị sĩ Mỹ cũng như Phó Tổng thống trong chính quyền ông Barack Obama.
"Tổng thống Biden sẽ đến thăm Tokyo vào cuối năm nay để tham dự hội nghị thượng đỉnh cùng bộ tứ kim cương. Đây là một phần nỗ lực của chúng tôi nhằm thể hiện mong muốn hiện diện của Mỹ tại châu Á, thông qua nhóm này…", vị quan chức cấp cao cho hay.
"Ông Biden cũng sẽ ghé thăm một số điểm dừng khác trong chuyến đi này", vị quan chức thông tin thêm.
Để nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, quan chức cấp cao nêu trên còn cho biết Washington đang có kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh cùng các nhà lãnh đạo của ASEAN.
Cũng theo vị quan chức giấu tên, vào tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thăm Australia để tham dự cuộc gặp cấp ngoại trưởng của "bộ tứ kim cương" gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Hôm 1/3, một nguồn thạo tin của Reuters nói chuyến thăm trên có thể diễn ra vào khoảng tháng 5 và lo ngại về Trung Quốc cũng như Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo. Ngoài ra, Washington cũng đang xem xét việc ông Biden đến thăm Hàn Quốc cùng lúc.
Cùng ngày, hãng tin Yomiuri của Nhật Bản đã trích dẫn nhiều nguồn tin cấp chính phủ, cho biết chuyến thăm có thể bắt đầu vào nửa cuối tháng 5.
Ở diễn biến khác, vào tháng trước, ông Kurt Campbell, điều phối viên của Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, từng dự đoán Thái Bình Dương có thể đón nhận một số "bất ngờ chiến lược" trong thời gian tới.
Ông Campbell nhấn mạnh rằng Mỹ đã không tích cực hỗ trợ khu vực này và Washington chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để hợp tác cùng các đối tác để "đẩy mạnh cuộc chơi tại châu Á".
Ngoài ra, hồi cuối tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết chính quyền ông Biden đang muốn đạt một thỏa thuận kinh tế "rất lớn, rất quy mô" với châu Á trong năm 2022. Thỏa thuận này sẽ tập trung vào các chi tiết như điều phối chuỗi cung ứng, kiểm soát xuất khẩu và tiêu chuẩn về trí tuệ nhân tạo (AI).
"Đó là ưu tiên của Tổng thống Biden. Mỹ đã vắng mặt tại châu Á trong suốt 4 năm qua", bà Raimondo cho hay, đồng thời hàm ý đến việc chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump xa rời khu vực châu Á trong nhiệm kỳ của ông.
Theo vị bộ trưởng, điều mà chính quyền ông Biden đang muốn là xây dựng "một khuôn khổ kinh tế mới với châu Á, cho một nền kinh tế mới". Bà hy vọng có thể chính thức bắt đầu đàm phán với các nước vào "đầu năm 2022, ngay trong quý đầu tiên".