Tổng thống Putin: đòn trừng phạt đang gieo đau khổ cho chính phương Tây
Phát biểu tại một cuộc họp về các vấn đề kinh tế xã hội của Nga ngày 18/4, Tổng thống Vladimir Putin cho biết: "Rõ ràng, yếu tố tiêu cực chính đối với nền kinh tế gần đây là áp lực trừng phạt bổ sung từ các nước phương Tây. Nhưng chúng tôi có thể tự tin nói rằng chính sách này đối với Nga đã thất bại".
Tổng thống Nga cho biết thêm: "Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt còn tác động ngược trở lại chính những các bên khởi xướng ra chúng. Tôi muốn nói đến vấn đề gia tăng lạm phát và thất nghiệp, đà suy giảm động lực kinh tế ở Mỹ và các nước châu Âu, thực trạng suy giảm mức sống ở châu Âu hay tình trạng mất giá tiền tiết kiệm của họ".
Theo Tổng thống Putin, tình hình nền kinh tế Nga đang ổn định với việc tỷ giá đồng ruble quay trở lại mức hồi đầu tháng 2. "Nga đã chống đỡ được áp lực chưa từng có này", ông chủ Điện Kremlin tuyên bố.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng thừa nhận giá tiêu dùng ở Nga đã tăng mạnh, lên đến 17,5% vào tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Ông đã chỉ đạo chính phủ lập chỉ số tiền lương và lên phương án các khoản thanh toán khác để giảm bớt tác động của lạm phát đối với thu nhập.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh liên tiếp áp nhiều vòng trừng phạt với Nga, chẳng hạn như loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này. Mỹ cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga.
Nga đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022.
Nga vỡ nợ thì châu Âu cũng vỡ nợ và siêu lạm phát
Hãng TASS ngày 18/4 dẫn lời Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng việc Nga vỡ nợ nước ngoài có thể dẫn đến siêu lạm phát và vỡ nợ tại châu Âu.
Bình luận về phát biểu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen về việc Nga vỡ nợ chỉ là vấn đề thời gian, ông Medvedev nói rằng “hãy thử xem” và chỉ ra “2 điều rõ ràng”.
“Sự vỡ nợ của Nga có thể kéo theo sự vỡ nợ của châu Âu”, ông viết trên Telegram và cho rằng hệ thống tài chính của Liên minh châu Âu (EU) không ổn định và mọi người đang mất lòng tin.
Ngoài ra, ông cho rằng giới chức EU không nên đổ lỗi Nga nếu xảy ra tình trạng siêu lạm phát, thiếu các thực phẩm thiết yếu và tình trạng tràn ngập người tị nạn “sẽ gây ra làn sóng tội ác”.