Top ngân hàng có lợi nhuận cao nhất nửa đầu năm 2022: VPBank mất vị trí số 1?

Đông Bắc 09:10 | 26/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong số 10 ngân hàng đứng đầu về lợi nhuận nửa đầu năm, có ít nhất 6 ngân hàng đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, Vietcombank quay lại vị thế dẫn đầu và điều này đồng nghĩa VPBank bị soán ngôi.

 VPBank đứng đầu quý I/2022 về lợi nhuận. Ảnh minh họa (nguồn: Đông Bắc)

 Dù các ngân hàng  vẫn chưa công bố hết báo cáo tài chính quý II/2022 nhưng bức tranh lợi nhuận top 10 ngân hàng cao nhất hệ thống đã dần được hé lộ.

Đáng chú ý, vị trí số 1 về lợi nhuận 6 tháng đầu năm thuộc về Vietcombank với lợi nhuận ước tính hơn 17.000 tỷ đồng.  Trước đó, trong quý I/2022, vị trí quán quân lợi nhuận toàn hệ thống thuộc về VPBank do ngân hàng này ghi nhận khoản thu nhập bất thường về phí bảo hiểm với AIA, Vietcombank đành lùi xuống vị trí thứ hai.

Tuy vậy, Vietcombank đã nhanh chóng lấy lại ngôi vị đầu bảng sau 6 tháng. Hiện Vietcombank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 song theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận trong quý của ngân hàng ước khoảng 7.000 - 7.300 tỷ đông. Như vậy, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng sẽ dao động từ 17.000 - 17.300 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, ngoài lợi nhuận ghi trên sổ sách, Vietcobank còn có “của để dành” rất lớn, đó là quỹ trích lập dự phòng rủi ro khủng. Lãnh đạo Vietcombank cho hay, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng tính tới cuối tháng 6/2022 là 514%, cao nhất thị trường.

Vietcombank cho hay, tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến cuối tháng 6 đạt 1,1 triệu tỷ đồng. Tổng tài sản của ngân hàng đạt xấp xỉ 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 13,4% so với 2021. Huy động vốn từ thị trường 1 đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,6% nằm trong mức khống chế kế hoạch 1,5%.  NIM đạt 3,47%, tăng mạnh so với năm 2021, cao nhất trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước; các chỉ số sinh lời ROA, ROE duy trì ở mức cao.  

Mất ngôi quán quân, VPBank  sẽ lùi về vị trí thứ hai với lợi nhuận 15.300 tỷ đồng lãi trước thuế. Ngoài khoản thu nhập bất thường từ phí phân phối bảo hiểm trong quý I/2022, ngân hàng còn có nhiều động lực tăng trưởng khác. Cụ thể, tính tới cuối tháng 6/2022, tín dụng của VPBank tăng gấp 3 lần cùng kỳ (tín dụng riêng ngân hàng mẹ tăng 14,3%);  thu nhập thuần từ phí tăng ấn tượng 34,5% so với 6 tháng đầu năm 2021 khi ghi nhận gần 2.800 tỷ đồng;  thu nhập từ nợ đã xử lý đạt kết quả khả quan, tăng 26% so với cùng kỳ; Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng tính đến cuối tháng 6 là 20,6% - một tỷ lệ nằm trong top thấp nhất thị trường hiện nay…

Xếp thứ ba là Techcombank, ngân hàng này có lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 với 14.100 tỷ đồng, tiếp tục giữ nguyên vị trí như quý I/2022. Tuy vậy, nhìn vào báo cáo tài chính, có thể thấy lợi nhuận Techcombank phần nào đã có sự giảm tốc trong quý II/2022, một phần do mảng tín dụng doanh nghiệp lớn (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) sụt giảm sau các động thái thắt chặt kiểm soát thị trường của cơ quan quản lý.

Báo cáo tài chính cũng cho thấy, động lực tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trong quý II/2022 thuộc về tín dụng cá nhân (chủ yếu là cho vay mua nhà) trong khi tín dụng với doanh nghiệp chậm lại.

Top 4 thuộc về MB, lãnh đạo ngân hàng này cho biết doanh thu toàn tập đoàn trong 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 29.900 tỷ với lợi nhuận ước 11.920 tỷ. Trong đó, riêng ngân hàng doanh thu đạt gần 17.800 tỷ đồng, tăng 23% và lợi nhuận đạt 10.666 tỷ đồng.

Vị trí thứ 5 và thứ 6 trong bảng xếp hạng lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay là VietinBank và BIDV. Hai ông lớn này chưa có báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm song theo ước tính của SSI Research, VietinBank và BIDV cũng có khả năng ghi nhận lợi nhuận vượt 10.000 tỷ trong 6 tháng đầu năm. Trước đó, lợi nhuận trước thuế quý I của hai ngân hàng này đạt lần lượt 5.822 tỷ đồng và 4.514 tỷ đồng.

Trong báo cáo phân tích mới công bố, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận trước thuế quý II/2022 của VietinBank sẽ đạt 4.600 - 4.700 tỷ đồng (tăng 68% so với cùng kỳ). Đồng nghĩa, lợi nhuận nửa đầu năm của VietinBank có thể rơi vào khoảng 10.500 tỷ đồng.

Với BIDV, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022 có thể đạt 5.500 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ), nhờ hệ số LDR tăng lên (tăng trưởng tín dụng đạt 9-10% và tăng trưởng huy động là 2,6%) và chi phí tín dụng giảm. Nếu đạt kỳ vọng của SSI Research, lợi nhuận 6 tháng của BIDV sẽ lần đầu tiên chạm ngưỡng 10.000 tỷ đồng.

Tiếp tục giữ vững vị trí thứ 7 về lợi nhuận trong số các ngân hàng niêm yết (không tính Agribank) là ACB. Ước tính, quý II/2022, lợi nhuận trước thuế của ACB là 5.000 tỷ đồng, nâng lợi nhuận nửa đầu năm lên 9.200 tỷ đồng. Nếu kết quả kinh doanh lạc quan hơn dự báo, ACB cũng có thể lọt vào câu lạc bộ ngân hàng có lợi nhuận 10.000 tỷ đồng 6 tháng đầu năm.

Đứng ở nhóm cuối trong top 10 lợi nhuận năm nay là 3 cái tên quen thuộc: SHB, HDBank và VIB. Trong đó, lợi nhuận của SHB 6 tháng đầu năm là 5.900 tỷ đồng, của VIB là 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận của HDBank cũng ước hơn 5.000 tỷ đồng.

Trong quý I/2022, thứ hạng lợi nhuận của TOP 10 ngân hàng lớn nhất được xếp lần lượt như sau: VPBank, Vietcombank, Techcombank, MB, VietinBank, BIDV, ACB, SHB, HDBank, VIB.