TP.HCM chuẩn bị 400.000 “ATM túi thuốc cứu người” cho F0 điều trị tại nhà

13:19 | 02/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
TP.HCM đã và đang chuẩn bị 400.000 túi thuốc để phát cho F0 điều trị Covid-19 nhằm tư vấn, hỗ trợ điều trị các F0 tại nhà, giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục, góp phần giảm tải cho các bệnh viện.

Theo Zing News thông tin cho biết vào chiều ngày 1/9, Thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết trong thời gian từ 28/8 đến 1/9, đơn vị này đã khẩn trương hoàn thành nhiều công đoạn chuẩn bị để bàn giao 100.000 gói thuốc A và 100.000 gói thuốc B.

Số thuốc này được bàn giao cho 22 quận/huyện và thành phố Thủ Đức để phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng. Dược sĩ Nga cho biết đơn vị này đã huy động mọi nguồn lực, khẩn trương hoàn tất các túi thuốc đã kịp thời đưa đến người bệnh sớm nhất.

Trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục giao cho Bệnh viện Nhi Đồng 1 chuẩn bị thêm 200.000 gói thuốc tương tự.

TP.HCM chuẩn bị 400.000 “ATM túi thuốc cứu người” cho F0 điều trị tại nhà - ảnh 1

Kho thuốc được chuẩn bị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Zing

Để hoàn thành đủ số túi thuốc này, bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu thầu, giao nhận thuốc và chuẩn bị bao bì, nhãn thuốc..., khi thành phố và nhiều tỉnh, thành lân cận thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.

Gói thuốc A gồm thuốc hạ sốt và vitamin. Gói thuốc B gồm kháng viêm và kháng đông. Ngoài ra, các địa phương cũng đã nhận gói thuốc C là thuốc kháng virus Molnupiravir từ Sở Y tế TP.HCM.

Gói thuốc A sẽ được phát rộng rãi cho tất cả bệnh nhân F0. Gói thuốc B và C chỉ cấp phát cho một số F0 có chỉ định sau khi được bác sĩ tư vấn. Việc cấp phát thuốc cho những F0 đang cách ly tại nhà có ý nghĩa quan trọng trong việc kéo giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong trong giai đoạn hiện nay.

Như Doanh nhân Việt Nam thông tin trước đó cho biết, việc cấp thuốc cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà với 3 gói A, B, C và sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân.

Gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng.

Gói thuốc B bao gồm các loại thuốc kháng viêm và thuốc chống đông, đủ dùng trong 3 ngày; Gói thuốc C có thuốc kháng virus đang ở trong giai đoạn thử nghiệm trong chương trình nghiên cứu của Bộ Y tế.

Sử dụng túi thuốc khoa học, hợp lý


Báo Người Lao Động thông tin từ Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) Dùng quá liều, không hợp hoàn cảnh có thể khiến F0 phải gặp rắc rối vì các tác dụng phụ, thậm chí làm tăng thêm mức độ bệnh.

Cầm thuốc trên tay, phải tự tìm hiểu thuốc nào là thuốc bổ, thuốc nào chữa triệu chứng. Thuốc bổ thì dùng hết toa, thuốc chữa triệu chứng thì khi nào có triệu chứng mới uống, hết thì ngưng, không uống liên tục. Ví dụ sốt trên 38 độ C thì uống hạ sốt, có ho thì mới uống thuốc ho, không thì thôi. Nếu cầm túi thuốc mà không có tờ hướng dẫn, hay... lỡ vứt mất hướng dẫn, hãy gọi bác sĩ nhờ tư vấn (tổ y tế địa phương, tổng đài 1022 - nhánh 3, tổng đài tư vấn của các trường đại học, các bệnh viện...).

TP.HCM chuẩn bị 400.000 “ATM túi thuốc cứu người” cho F0 điều trị tại nhà - ảnh 2

Túi thuốc gồm 7 loại dược phẩm và hướng dẫn sử dụng chi tiết đi kèm

Thuốc thuộc nhóm chữa triệu chứng trong túi thuốc F0 địa phương đều cấp đủ dùng trong khoảng 5-7 ngày vì F0 thường sẽ hết triệu chứng trong khoảng thời gian đó nếu không chuyển nặng. Nếu mình khỏe sớm, không cần dùng hết số ngày đó. Thường sau 5-7 ngày nhiều người còn "đi liêu xiêu", đó là do mới bệnh dậy nên mệt, bệnh nào cũng vậy chứ không riêng bệnh này, chỉ cần tẩm bổ, ngủ đủ, sinh hoạt điều độ là dần khỏe lại.

Đã có trường hợp bệnh Covid-19 thì nhẹ nhưng khi uống hết thuốc lại tự ý mua thêm, nếu lạm dụng thuốc sẽ bị tác dụng phụ như lở miệng, mệt mỏi... về lâu dài sẽ có hại cho gan, thận.

F0 không triệu chứng thì không gọi là bệnh nhân, nhóm này chắc chắn không cần thuốc chữa triệu chứng. Chỉ cần chú ý ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, tập thể dục để tăng cường sức khỏe, làm việc online... "tà tà" chờ âm tính.

Đáng chú ý nhất là nhóm kháng viêm - kháng đông - kháng sinh dành cho F0 nặng: đây là nhóm sẽ rất nguy hiểm nếu dùng trong trường hợp chưa cần thiết, nhất định phải có bác sĩ chỉ định mới được dùng. Bạn có thể được cấp hay được khuyến cáo mua dự phòng cho trường hợp F0 trở nặng mà chưa được đưa đi bệnh viện kịp. Nhưng trước khi dùng phải nhờ bác sĩ tư vấn, tư vấn online cũng được.

Riêng thuốc kháng virus thì chỉ dùng khi địa phương cấp, dùng đúng theo chỉ định. Không nên tự ý mua lung tung vì thuốc kháng virus của bệnh khác không có tác dụng gì đối với SARS-CoV-2, chỉ "tiền mất, tật mang" vì tác dụng phụ.

Phát ngay túi thuốc cho F0 khi test nhanh dương tính

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, TPHCM đã lập hơn 400 trạm y tế lưu động ở tất cả các quận huyện trên địa bàn nhằm đáp ứng nhanh với diễn tiến dịch, giúp người dân tiếp cận sớm với những hỗ trợ y tế. Bước đầu, các trạm đã phát huy được tính hiệu quả, cung cấp nhanh oxy và cử lực lượng y bác sĩ hỗ trợ chuyên môn, phân loại bệnh, chuyển viện những trường hợp có biểu hiện bệnh diễn tiến nặng.

Tuy nhiên, các giải pháp hỗ trợ những trường hợp F0 tại nhà còn thiếu tính đồng bộ chính quyền cơ sở và lực lượng y tế và chưa cập nhật kịp thời các phương án điều chỉnh hỗ trợ người bệnh trong tình hình mới.

Báo Tiền Phong dẫn lời BS Nguyễn Xuân Huân, Giám đốc Trung tâm y tế Quận 4 cho biết Trung tâm đã nhận được 1.260 túi thuốc, đến ngày 30/8 đã cấp được hơn 800 túi. Những người có kết quả test nhanh dương tính cần được cập nhật lên phần mềm rồi mới phát thuốc để tránh thuốc thất lạc. Nhân viên y tế lo làm xét nghiệm cả ngày nên thường buổi tối mới cập nhật được F0 lên phần mềm và sáng hôm sau mới phát được túi thuốc. Đó là chưa kể thuốc nhận về còn phải phân chia ra các túi cũng đòi hỏi cần có thời gian.

TP.HCM chuẩn bị 400.000 “ATM túi thuốc cứu người” cho F0 điều trị tại nhà - ảnh 3

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (đứng thứ hai bên phải) đến thăm hỏi F0 điều trị tại nhà.

Tại huyện Nhà Bè, BS Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Trạm Y tế xã Phước Kiển thông tin: “Với những trường hợp sau khi test nhanh có kết quả dương tính xong, chúng tôi sẽ tiến hành sàng lọc, lập hồ sơ và làm xét nghiệm khẳng định bằng PCR. Từ đó lập danh sách F0 đủ điều kiện ở nhà theo từng ấp rồi chuyển cho Trạm Y tế lưu động để phát thuốc và chăm sóc”.

Ngay lập tức Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã yêu cầu điều chỉnh phương án trên: “Theo hướng dẫn mới, nếu test nhanh cho kết quả dương tính, quyết định cho F0 cách ly ở nhà thì không cần xét nghiệm lại bằng PCR ngay. Nếu trông chờ xét nghiệm PCR sẽ vừa mất thời gian, vừa gây quá tải cho bộ phận xét nghiệm. Những ai có kết quả dương tính sau test nhanh, đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phát ngay túi thuốc cho họ. Ai bắt buộc phải đưa đi cách ly tập trung, thì mới lấy mẫu xét nghiệm PCR. Nếu kết quả của họ có nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30) thì cũng cho về nhà theo dõi. Người có nồng độ virus cao ở lại khu cách ly”.

Thực tế kiểm tra các trạm y tế lưu động, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu cần phải cung cấp cho người dân và các F0 số điện thoại của trạm y tế lưu động, trạm y tế cố định, trung tâm an sinh phường, xã, đội y tế địa bàn. Ngoài thông báo thì in ra giấy phát cho các hộ gia đình. Các y bác sĩ quân đội và các lực lượng khác đang trực tiếp theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà phải cấp phát túi thuốc, túi an sinh sớm nhất có thể. Cùng với đó cần tư vấn, hướng dẫn cụ thể và động viên, không để những người nhiễm COVID-19 hoảng loạn, thiếu thuốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương trao túi thuốc cho F0 ngay sau khi test nhanh dương tính và người bệnh đủ điều kiện cách ly y tế tại nhà.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo, các Trung tâm y tế quận, huyện khi nhận được các túi thuốc cho F0 phân bổ xuống thì phát ngay cho các Trạm Y tế lưu động để đưa đến các F0 nhanh nhất. Cần ưu tiên phát túi thuốc ngay cho F0 mà không cần phải chờ tới sau khi cập nhật ca của họ lên phần mềm.

Nguyễn Triệu

Xem thêm: TP.HCM : Triển khai “ATM túi thuốc cứu người” đến tận nhà F0

Từ khóa: #COVID-19