TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng công khai dự án thế chấp ngân hàng
UBND TP.HCM vừa có báo cáo Bộ Xây dựng kết quả thực hiện các quy định về giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, mua, cho thuê.
Theo UBND TP.HCM, trong vòng 5 năm qua, từ tháng 7/2015 đến tháng 6/2021, TP.HCM có tổng cộng 339 dự án nhà ở được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Riêng 6 tháng đầu năm 2021, Sở Xây dựng TP HCM xác nhận 9 dự án đủ điều kiện giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai với số lượng gần 6.000 sản phẩm. Trong đó, có 2 dự án ở TP Thủ Đức; 2 dự án ở Q.12; Q.1, Q.6, Q.8, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè mỗi địa phương có một dự án.
Đối với các dự án đủ điều kiện bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, UBND TP.HCM đều công bố thông tin công khai trên website của Sở Xây dựng.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng thành phố hoàn thiện và đưa vào sử dụng ứng dụng Mobile SXD247. Những thông tin có liên quan đến các dự án kinh doanh bất động sản, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang hoạt động trên địa bàn có thực hiện thủ tục tại sở đều được cập nhật thông tin trên ứng dụng này.
Nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua nhà ở hình thành trong tương lai cũng như để thông tin về những dự án đủ điều kiện giao dịch được đăng tải đầy đủ và chính xác, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng công khai thông tin.
Cụ thể, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước cập nhật nội dung thế chấp dự án, tình hình bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai tại các dự án đủ điều kiện được bán, cho thuê mua trên Cổng thông tin dịch vụ quốc gia.
Trước đó, vào tháng 6, Bộ Xây dựng đã có công văn 2096/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện quy định về giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai, nhằm phục vụ việc nghiên cứu xây dựng, tích hợp cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với dịch vụ công về thủ tục hành chính "Thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua".
Để triển khai nhiệm vụ trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, rà soát và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Nghị định số 76/2015/NĐ-CP về trình tự, thủ tục, điều kiện đối với các giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai trên địa bàn.
Đặc biệt là một số nội dung quy định cụ thể như: Về điều kiện khi đưa bất động sản hình thành trong tương lai vào kinh doanh theo quy định tại điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản; thực hiện thủ tục thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua tại Khoản 2 Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản; thực hiện bảo lãnh, thanh toán trong bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56, Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản; việc thế chấp, điều kiện thế chấp (dự án đầu tư xây dựng nhà ở và nhà ở hình thành trong tương lai) theo quy định tại Điều 147, Điều 148 Luật Nhà ở; giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch đối với trường hợp không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận theo Điều 72 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.
Thực hiện yêu cầu của Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM cũng đã ban hành văn bản số số 2306/UBND-ĐT yêu cầu các sở, ngành, UBND TP.Thủ Đức, UBND các quận huyện tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn, nhằm chấn chỉnh tình trạng một số chủ đầu tư “lách luật” trong mua bán, chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai.
Yêu cầu Sở Xây dựng TP.HCM tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các dự án bất động sản có vi phạm xây dựng, không thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai… Sở Tài nguyên Môi trường công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về vấn đề pháp lý…
Thực tế, gần đây trên địa bàn TP.HCM xảy ra nhiều vụ việc người mua nhà hình thành trong tương lai kiện cáo chủ đầu tư khi dự án chậm tiến độ, chất lượng không đúng cam kết trong hợp đồng. Khi đó, bên thứ ba mới được “kéo vào cuộc” vì liên quan đến câu chuyện dự án đã được ngân hàng bảo lãnh. Tuy nhiên, người mua nhà khi đó mới tá hỏa rằng ngân hàng mới chỉ thỏa thuận với chủ đầu tư về việc bảo lãnh hoặc chủ trương bảo lãnh.
Không ít chủ đầu tư khi mở bán dự án nhà ở hình thành trong tương lai chỉ cung cấp cho khách hàng Công văn hồi đáp của ngân hàng đồng ý về mặt nguyên tắc sẽ cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư (trên cơ sở nếu chủ đầu tư đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp luật và của ngân hàng), và cho rằng đó là thư bảo lãnh của của ngân hàng, để tạo niềm tin cho người mua nhà.
Thực tế, trong quá trình xét duyệt bảo lãnh về sau, nếu thấy năng lực tài chính của chủ đầu tư không tốt, dự án có vấn đề; ngân hàng sẽ không thực hiện cấp Thư bảo lãnh cho dự án, mà chỉ cấp theo hợp đồng tín dụng. Ngoài ra, còn một số trường hợp khác như, ngân hàng từ chối bảo lãnh cho khách hàng mua nhà do khách hàng không có Thư cam kết phát hành bảo lãnh hoặc Thư cam kết đã hết thời hạn bảo lãnh, hoặc các nguyên nhân do chính những rắc rối trong hợp đồng,…
Để tự bảo vệ quyền lợi, khách hàng cần phải trang bị kiến thức pháp lý để không rơi vào trường hợp đầy đủ danh mục chứng từ nhưng lại thiếu cơ sở pháp lý.
H.A