Cụ thể, UBND TP.HCM yêu cầu tiếp tục tạm dừng các hoạt động không thiết yếu như: Massage, xông hơi, các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí; sân khấu ca nhạc; sân khấu kịch; rạp chiếu phim; trung tâm - nhà hàng tiệc cưới; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet, ăn uống có tổ chức hát với nhau, karaoke dưới mọi hình thức; vũ trường; quán bar; karaoke; beer club; điểm kinh doanh trò chơi điện tử, truy cập Internet; cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà; trung tâm thể dục thể thao; các khu tập luyện thể thao công cộng tại thành phố…
Với các hoạt động kinh doanh ăn uống, hộ gia đình hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, kinh doanh thức ăn đường phố tuyệt đối không phục vụ tại chỗ, chỉ phục vụ hình thức bán hàng mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Người giao hàng đảm bảo biện pháp chống dịch.
TP.HCM đóng của nhiều dịch vụ sau khi phát hiện chùm ca nhiễm COVID-19.
Còn với nhà hàng trong khách sạn, thành phố yêu cầu chỉ hoạt động để phục vụ khách lưu trú tại khách sạn, bố trí khoảng cách giữa 2 người là 2 m trở lên, không phục vụ quá 20 người cùng lúc.
Các cơ sở kinh doanh lưu trú theo mô hình homestay, Airbnb ngưng tiếp nhận khách mới đến đăng ký lưu trú.
Ngoài ra, TP.HCM cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động, nghi lễ tôn giáo tập trung 10 người trở lên tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
Thời gian tạm ngừng các hoạt động trên từ 0h ngày 28/5/2021 đến khi có thông báo mới.
Một thông tin đáng chú khác, Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất dừng nhập cảnh hành khách đến từ ngày 27/5 đến hết ngày 4/6/2021 để hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại TPHCM.
Quyết định này là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và Bộ GTVT, trên cơ sở đề nghị của UBND TPHCM.
Đại diện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết, các chuyến bay quốc tế và các chuyến bay vận chuyển hàng hoá xuất phát từ Tân Sơn Nhất vẫn được triển khai bình thường.
Cùng ngày 27/5, , Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP.HCM cũng có văn bản về thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học giai đoạn nay, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thực hiện các nội dung sau:
Tất cả các hoạt động ôn tập, phụ đạo, bồi dưỡng học sinh cuối cấp phải thực hiện bằng hình thức trực tuyến từ ngày 28.5. Các trường ngoài công lập dừng hoạt động nội trú trước ngày 30/5.
Thực hiện tốt công tác chuẩn bị để giúp học sinh tham dự kỳ thi thuận lợi, an toàn và đúng quy định.
Sở GDĐT yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, kịp thời cập nhật và thực hiện nghiêm những chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.
Thông tin bổ sung, sáng 27/5, tại cuộc họp trực tuyến khẩn giữa Thường trực Ban Chỉ đạo với lãnh đạo TP.HCM, sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo TP.HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo một số vấn đề liên quan tới phòng dịch và khẩn cấp dập dịch tại TP.HCM.
Nhấn mạnh tinh thần “chống dịch ưu tiên hơn một bước”, Phó Thủ tướng nêu rõ theo quy định, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 15/CT-TTg hoặc Chỉ thị 16/CT-TTg phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có sự chỉ đạo các bộ ngành, địa phương lân cận phối hợp đồng bộ, nhằm không “ngăn sông, cấm chợ” không cần thiết.
Trường hợp cần thiết phải giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc, trách nhiệm trước hết giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ về mặt hành chính, còn trong chỉ đạo điều hành, chống dịch, trước hết báo cáo với Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
“Cho đến giờ phút này, chưa bao giờ Bộ Y tế đề xuất giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc. Ngoài ra, nếu thấy tỉnh nào cần thiết phải giãn cách xã hội trên quy mô toàn tỉnh nhưng lãnh đạo tỉnh đó không đề nghị thì Bộ Y tế có quyền đề nghị với Thủ tướng chỉ đạo thực hiện”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Quang Hải