Trần Bá Dương: Vị tỷ phú không sinh ra ở vạch đích, xuất thân từ anh công nhân sửa ô tô, vét mỡ bò
Nơi “cát trắng, thiếu điện, thiếu nước, đêm ếch nhái kêu” như Chu lai là một trong những lựa chọn sống đầy thử thách, khó khăn và thiếu thốn trên con đường lập thân của vị doanh nhân "từ tay trắng thành tỷ phú".
Nếu ai đó cho rằng các tỷ phú đều sinh ra đã ở vạch đích thì điều đó chắc chắn không đúng với ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải (THACO). Ông Dương với xuất thân bình thường như bao người khác đã vươn lên trở thành một trong 6 tỷ phú đô la của Việt Nam, được tạp chí Forbes công nhận.
"Chúng tôi ra Chu Lai cũng giống như bước qua một con sông mà hủy luôn cây cầu, tức là không có đường lùi. Ngày đó, tôi nói anh em trong công ty rằng, một là mình sẽ thành công và kéo dài đến 2018.
Hai là mình sẽ chết tại Chu Lai, thất bại tại Chu Lai"- những bộc bạch chân tình của Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải Trần Bá Dương về khoảng thời gian ông cùng các đồng sự ra Chu Lai xây dựng Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ô tô.
Xuất thân từ anh công nhân sửa ô tô, vét mỡ bò
Ông Trần Bá Dương sinh ra trong một gia đình nghèo khó với 8 người con, mồ côi cha, ông Dương phải đi làm kiếm tiền từ sớm. Vượt lên hoàn cảnh gia đình, ông Dương vẫn thi đậu và tốt nghiệp đại học Bách Khoa - tiền đề mở ra cánh cửa sự nghiệp gắn liền với cơ khí - ô tô của ông sau này.
Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP HCM, ông xin làm công nhân sửa chữa ô tô, công việc đầu tiên là vét mỡ bò.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải (THACO)
Nhờ kiến thức tại trường đại học, ông Dương đưa ra dự án "Chuyển đổi tay lái nghịch", dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp nhận nên công ty đã giao cho ông làm quản lý tổ sửa chữa lưu động, làm khoán.
Từ đây, ông có điều kiện tích lũy và đến năm 1997, ông xin nghỉ để thành lập xưởng sửa chữa của riêng mình. Năm 1997 cũng chính là lúc Công ty ô tô Trường Hải được thành lập. Tên gọi của công ty được đặt theo tên con trai ông Dương: Trần Bá Trường Hải.
Ban đầu, Trường Hải chỉ buôn bán ô tô nhưng đến năm 2000, công ty bắt đầu lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu KIA, để rồi những năm sau đó tiếp tục bắt tay với Mazda và Peugeot.
Sang năm 2001, Trường Hải chính thức tung ra sản phẩm đầu tiên của dòng xe tải nhẹ và đã được thị trường chấp nhận, đặt hàng rất lớn.
Tháng 3/2003 đánh dấu bước đi quan trọng và có phần "liều" với ông Trần Bá Dương, khi ông cho khởi công xây dựng Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai.
Khu liên hợp này được hoàn thành vào cuối năm 2004, lắp ráp các dòng xe tải, xe bus. Trong khoảng thời gian này, Trường Hải còn thành lập Công ty Tàu biển Chu Lai - Trường Hải với 2 chiếc tàu Truong Hai Star I và II để chủ động vận chuyển vật tư, thiết bị từ nước ngoài nhập về, để sản xuất và lắp ráp ô tô.
Một trong những lý do quan trọng để ông Dương chọn Chu Lai là vì vấn đề nhân lực. Theo ông Dương, con người ở Chu Lai sống trong môi trường đất đai khô cằn, thời tiết khắc nghiệt nên rất chịu khó làm việc và rất sáng tạo. Đây là những đức tính phù hợp với ngành cơ khí và ô tô.
Sở dĩ ông Dương muốn tìm người siêng năng, chịu khó là bởi trước đó, tại Công ty ở Biên Hòa, ông Dương đã dày công đào tạo nhân sự nhưng rồi vì nhiều lý do, đa phần họ nghỉ hết.
"Chuyên gia nước ngoài đến Chu Lai đào tạo 2-3 năm quay lại vẫn thấy nhân sự cũ ở đó. Họ có nói rằng chỉ có ở Chu Lai mới vậy, chứ các thành phố ở các nước trên thế giới, đào tạo một thời gian quay lại nhân sự có thể đi mất", ông Dương chia sẻ.
Dù đã có yếu tố con người, nhưng một doanh nghiệp non trẻ sẽ không thể thành công nếu thiếu vốn. Những đồng vốn cực kỳ quan trọng đã đến với Trường Hải vào năm 2008, khi Jardine Cycle và Carriage, một nhà phân phối xe hơi của Singapore, chi 77 triệu USD để mua 20% cổ phần của công ty.
Được rót vốn lớn, Trường Hải nhanh chóng mở rộng và tăng trưởng mạnh mẽ các năm sau đó. Để rồi đến năm 2014, Thaco chính thức vượt qua Toyota để trở thành doanh nghiệp bán nhiều xe nhất trên thị trường, và duy trì vị thế suốt từ đó đến nay.
Tuy nhiên, ông Trần Bá Dương còn muốn nhiều hơn thế. Ông Dương quyết tâm phải trở thành số 1 thị trường, vượt qua Toyota, nhưng phải vượt qua bằng chính doanh số xe con, chứ không phải cộng doanh số xe tải, xe bus.
Thaco chỉ mất thêm 2 năm để đạt được mong muốn này của Chủ tịch Dương. Năm 2016, Thaco bán được tổng cộng tới gần 113.000 xe, nắm 41,5% thị phần. Trong đó, doanh số Kia và Mazda là hơn 65.000 xe, bỏ xa Toyota năm đó bán được 57.000 xe.
Ông Trần Bá Dương giới thiệu với Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về Công ty của mình
Các năm sau đó là cuộc rượt đuổi gay cấn giữa Thaco và Toyota, khi cả hai liên tục so kè với nhau trên thị trường. Năm 2020 vừa qua, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, 3 thương hiệu xe của Thaco một lần nữa vượt lên với gần 76.000 xe, con số lớn nhất từ trước tới nay, trong khi Toyota là gần 71.000 xe.
Bất động sản - Cú rẽ ngang bất ngờ
Cách đây khoảng 5 năm, ông Trần Bá Dương từng chia sẻ vể con đường kinh doanh của mình qua 2 giai đoạn, mà mỗi giai đoạn có những tôn chỉ khác nhau.
Giai đoạn 1 được đánh dấu khi ông vừa mới ra trường, bắt đầu đi làm. Lúc đó, tôn chỉ là kiếm tiền để phụ giúp gia đình, nuôi sống bản thân, và lo được gia đình bằng năng lực của mình.
Giai đoạn 2 là khi đã nhận thức được rằng ta hạnh phúc khi ta đạt được thành công. Hạnh phúc là cảm giác biến giấc mơ thành hiện thực. Hạnh phúc là khi làm được những việc lớn, mang lại lợi ích, giá trị cho nhiều người, cống hiến lớn cho xã hội.
Thời điểm năm 2013, nền kinh tế Việt Nam rơi vào đỉnh điểm của khủng hoảng, lạm phát cao, lãi suất ngân hàng lên đến trên 20%/năm, thị trường BĐS xuống đáy, đóng băng hoàn toàn, hầu hết các doanh nghiệp đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhất là các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và bất động sản.
Lúc này, ông Dương nhận được sự giới thiệu và lời mời gọi của UBND Thành phố đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tại thời điểm đó, mặc dù đã được giải phóng mặt bằng cơ bản nhưng Thủ Thiêm hoàn toàn bị hoang hóa, các công trình hạ tầng giao thông chính trong nội khu như 4 tuyến đường chính và kết nối Thủ Thiêm với Trung tâm thành phố, như cầu Thủ Thiêm 2, mặc dù đã được giao cho các doanh nghiệp nhà nước theo hình thức BT nhưng chưa triển khai gì nhiều, đang bị ngưng trệ và một số dự án BĐS mặc dù đã được giao nhưng đều rút lui.
"Khi đó, Thaco chúng tôi đã đánh giá là nếu đầu tư vào Thủ Thiêm thành công thì sẽ ghi dấu ấn đóng góp rất lớn vào phát triển Thủ Thiêm nói riêng và Thành phố nói chung. Đây cũng là một thách thức rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có nguy cơ phá sản nếu không thành công", ông Dương giãi bày.
Ông Dương kể lại, với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của Thành phố là đầu tàu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và muốn có những công trình để đời sau này, cùng với sự mời gọi trọng thị và sự tin tưởng của Lãnh đạo Thành phố, Thaco và Đại Quang Minh đã quyết định nhận làm.
"Năm 2012, tôi nói với anh em ở Trường Hải, mình phải chinh phục mục tiêu khác: Vừa phát triển ngành nghề mới, vừa là phải làm ô tô thành công. Trả giá của tôi là nếu ô tô không thành công thì ảnh hưởng luôn Đại Quang Minh. Nếu Đại Quang Minh không tốt, ảnh hưởng qua Trường Hải là chết chùm luôn. Nhưng tôi dám dấn thân, đó là sự chinh phục", ông Dương nhận định.
Theo tỷ phú Dương, với tinh thần dám đối diện, vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội để phát triển, đến nay đã có một khu đô thị kiểu mẫu tại Thủ Thiêm. Đồng thời các hạ tầng mà Đại Quang Minh của ông Dương thực hiện như hệ thống đường bộ và cầu Thủ Thiêm 2 đã tạo ra giá trị rất lớn cho Thủ Thiêm.
Khu đô thị Sala của Đại Quang Minh. Ảnh: Zing
"Tôi đã từng nói, các công trình hạ tầng giao thông mà chúng tôi xây dựng hay khu đô thị Sala mà chúng tôi thực hiện, chính là những hình mẫu nhất định nào đó trong thị trường xây dựng - bất động sản Việt Nam", ông Dương tự tin khẳng định.
Nông nghiệp là cái duyên với Bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai
Nếu như ô tô là khởi nghiệp, bất động sản là những cống hiến, đóng góp cho xã hội, thì sự xuất hiện của “bầu” Đức và HAGL dường như là duyên trời và là điểm tựa để giấc mơ nông nghiệp hữu cơ, đưa Việt Nam vào bản đồ sản xuất nông nghiệp thế giới của ông Dương đi nhanh hơn.
Nhưng cũng là lần nữa ông Trần Bá Dương khởi nghiệp, bước vào thách thức mới không hề giống những chướng ngại vật trên hai đường đua là cơ khí - ô tô và bất động sản mà ông đã lao tâm, khổ tứ trong hơn 20 năm qua.
“Trại bò nhà anh chắc sau Tết sẽ khánh thành”. Ít ai có thể hình dung được Trần Bá Dương mà tên tuổi gắn bó mật thiết với ngành công nghiệp cơ khí - ô tô giờ nói chuyện về bò, heo, chuối, xoài…, lại đam mê chả kém gì ô tô năm xưa.
Khủng hoảng nợ nần đã khiến Hoàng Anh Gia Lai không thể gượng dậy và đầu năm 2018, Bầu Đức đã mời gọi sự giúp sức của ông Dương để cùng mình vực dậy Hoàng Anh Gia Lai trong lĩnh vực nông nghiệp và hoàn thành các dự án bất động sản tại Myanmar.
Ông Dương cho rằng Hoàng Anh Gia Lai là một tập đoàn kinh tế với những đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước nhưng vì điều kiện khách quan đã lâm vào tình cảnh khó khăn. Là một doanh nhân, ông hiểu được việc đối mặt những rủi ro do biến động thị trường là điều khó tránh khỏi và đi đến quyết định trợ giúp cho Bầu Đức.
Sau 2 năm đứng ngoài hỗ trợ, mới đây Thaco đã quyết định mua lại công ty nông nghiệp của Bầu Đức, là Hoàng Anh Gia Lai Agrico.
Dưới góc nhìn của ông Dương, đơn giản đây chỉ là cuộc mua bán sáp nhập giữa 2 tập đoàn công ty Việt Nam. Quá trình này đã trải qua 2 năm và nó đọng lại những giá trị nhất định về mặt nhân văn, tình chia sẻ giúp đỡ.
"Đặc biệt, 2 doanh nghiệp đã cùng nhau phát triển, giúp nhau vượt qua những khó khăn gần như không thể vượt qua. Hướng đến cái mục tiêu chung của đất nước, làm sao có doanh nghiệp nông nghiệp mang tầm khu vực, là mẫu hình mang tính tiên phong đột phá và nâng tầm ngành nông nghiệp Việt Nam", ông Trần Bá Dương phát biểu trong buổi nhậm chức Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Agrico.
Theo ông Dương, Hoàng Anh Gia Lai Agrico có tiềm năng rất lớn, nhờ quỹ đất khổng lồ lên tới 84.000ha và nếu thành công sẽ vươn lên tầm khu vực và thế giới. Ông Dương khẳng định, đây sẽ là thử thách cuối cùng của cuộc đời và ông tin rằng mình sẽ làm được.
Khi ông Dương dấn thân vào nông nghiệp cùng HAGL cách đây 2 năm, nhiều lời bàn rằng, THACO đang theo trend - lao vào trào lưu làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh. Nhưng, những cộng sự của ông Dương biết rằng, nông nghiệp đã được coi là đầu ra cho chính lĩnh vực cơ khí - ô tô mà ông dồn tâm sức bấy lâu.
Ông Trần Bá Dương (bên phải) cùng ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) chia sẻ tại buổi kỷ niệm một năm Thaco đầu tư vào HAGL
Trước khi đi tới quyết định hợp tác với HAGL vào tháng 8/2019, ông Dương trăn trở nhiều về đường đi cho nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, mang tầm khu vực, trở thành mẫu hình mang tính tiên phong để đột phá và nâng tầm ngành nông nghiệp Việt Nam.
Nông nghiệp là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều của thiên nhiên, thời tiết, mùa vụ và gắn với người nông dân vốn phần đông chưa quen với phương thức sản xuất công nghiệp quy củ, chuẩn chỉ.
Nên việc đầu tiên ông Dương làm là đặt mục tiêu xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng ngay từ đầu và quản lý nghiêm túc trong quá trình hoạt động trên các yếu tố môi trường, xử lý chất thải hay thương hiệu để tạo uy tín với khách hàng. Ông tin rằng, đây là chìa khóa để mở lối thênh thang trong tương lai, không chỉ cho kế hoạch khởi nghiệp trong nông nghiệp của cá nhân ông.
Gần 43.000 tỷ đồng là khoản tiền tươi ông Dương đã bỏ ra trong 2 năm qua cho HAGL Agrico. Mô hình quản trị của doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn, bài bản từ kinh nghiệm thực tế có được tại THACO đã được nghiên cứu đưa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp tại HAGL Agrico, bên cạnh phương pháp quản lý đang áp dụng bấy lâu để có những đối chứng.
Kết quả là, bầu Đức đã tuyên bố: “HAGL cứ học theo cách ông Dương làm”. Cổ phiếu HNG của HAGL Agrico dậy sóng, đạt mức giá trần liên tiếp nhiều phiên…
Còn vị tân Chủ tịch HĐQT của HAGL Agrico thận trọng hơn: “Tôi cần có thời gian và mong cổ đông đừng kỳ vọng quá về sự đột biến lợi nhuận ngay lập tức”.
Trong tính toán của ông, cây cao su giống như con nhà bình dân, không phải chăm bón gì đặc biệt, thì cây ăn trái lại như con nhà đại gia, phải mất công chăm sóc, nuông chiều và cần có thời gian. Cũng cần phải có nhân lực làm việc chuyên nghiệp để diện tích 84.000 ha cho quả ngọt…
Ông cũng tính đến mảng thương mại - dịch vụ, như điều tất yếu để khép vòng chuỗi giá trị trong các lĩnh vực sản xuất lớn mà THACO đang theo đuổi.
“Tôi vẫn xem nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng. Nếu làm tốt trên nền tảng hữu cơ, thì nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, đây là lĩnh vực có tính ảnh hưởng lan tỏa rộng và nhanh đến đời sống người Việt”, ông chia sẻ và cho hay, sẽ làm ráo riết trong 2 - 3 năm nữa để mảng nông nghiệp vào nề nếp.
“May mắn không bao giờ đến mãi và may mắn không bao giờ là 99%. Để tạo nên thành công, 99% vẫn là chất xám, công sức và mồ hôi của mình”, ông Dương nói.
Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai của tỷ phú Trần Bá Dương
Hơn 2 năm, sau cú rẽ ngoặt bất ngờ vào nông nghiệp với Hoàng Anh Gia Lai và sau này là Hùng Vương, ông Dương đang miệt mài định hình nền tảng nhằm gây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bài bản cho những bước đi thật lâu và thật xa.
Đặt mục tiêu cung cấp bò thịt và heo theo hướng kinh doanh lớn và ổn định, ông Dương cũng chia sẻ, mong muốn làm nông nghiệp thành công cũng là trách nhiệm với đất nước, giống như mơ ước đã đạt được ở ngành cơ khí và ô tô của THACO.
Thành công với sản xuất công nghiệp quy mô lớn và có hàng chục nghìn lao động trực tiếp trong trong chuỗi sản xuất cơ khí - ô tô nên giấc mơ nuôi bò, nuôi heo của ông Dương cũng khác người, với đích đến là đàn bò cả trăm ngàn con hay đàn lợn sẽ cả triệu con.
Hiểu rõ làm nông nghiệp có rủi ro từ ngoài, nên ông cũng đặt mục tiêu xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng ngay từ đầu và quản lý nghiêm túc trong quá trình hoạt động trên các yếu tố môi trường, xử lý chất thải hay thương hiệu để tạo uy tín với khách hàng, mở lối thênh thang trong tương lai không xa.
Chinh phục thách thức - Đan dày thành công
Trần Bá Dương đã nhận được rất nhiều danh hiệu danh giá trong sự nghiệp kinh doanh của mình:
Giải thưởng doanh nhân nước ta xuất sắc tiêu biểu 5 năm liền 2008 – 2013.
Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ năm 2013.
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích Hoạt động Phong trào người kinh doanh trẻ nước ta từ 2008 – 2013.
Huân Chương Lao động hạng Nhì.
Giải bình chọn 50 người đi tiên phong của Báo Vietnamnet.
Sau gần 20 năm lập nghiệp ở Chu Lai, ông Trần Bá Dương với khát vọng về sản xuất ô tô tại Việt Nam đã chinh phục được nhiều hãng ô tô lớn trên thế giới đến hợp tác, mở rộng vùng phủ sóng của thương hiệu.
Những lô xe du lịch Kia, xe bus THACO hay sơ mi rơ moóc sản xuất tại Chu Lai đã tiến ra thị trường nước ngoài. Theo kế hoạch, năm 2020, có hơn 1.200 xe du lịch Kia các loại xuất sang ASEAN, gồm Thái Lan, Myanmar, hay Philippines sau đó.
Việc xuất khẩu cũng được kỳ vọng tốt hơn trong năm 2021, khi giao thương tăng. Trước đó xe bus THACO đã xuất khẩu sang Philippines hay sơ mi rơ moóc đã vượt đại dương sang Mỹ. Với nền tảng sản xuất hiện có của THACO trong ngành ô tô, các thương hiệu tiếp tục tìm đến, mở rộng hợp tác sản xuất tại Việt Nam cũng là điều không lạ.
Sau những vật lộn để tìm đường đi nước bước cho làm ô tô năm 2002, rồi vượt qua các cuộc khủng hoảng hồi 2008 - 2010, 2014 - 2015, vấn đề kinh doanh có điều kiện rồi hội nhập, thuế về 0%, đến thời điểm này, ông Dương tự tin rằng mình ổn, nhờ có chiến lược đúng đặt ra từ cách đây hai chục năm.
Vợ chồng ông Trần Bá Dương và con gái Trần Viên Ngọc Trân trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày cưới
Bên cạnh thành công của ngành cơ khí - ô tô, kế hoạch mới cho nông nghiệp đường dài, THACO cũng đang không ngừng chuyển đổi mình theo hướng thông minh hơn với số hóa.
Đẩy mạnh tự động hóa và ứng dụng số hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu của THACO auto để nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Với hệ thống quản trị doanh nghiệp đã được dày công tạo dựng trong nhiều năm qua, việc số hóa để quản lý và xử lý công việc nhanh hơn cũng đang được THACO áp dụng trong toàn doanh nghiệp.
Đào tạo thế hệ kế cận cũng là điều được ông Dương quan tâm. Các nhân sự lớn tuổi, gắn bó với THACO từ thời khởi nghiệp được rút dần về HĐQT, rồi có thời gian chăm sóc sức khỏe thay vì miệt mài cho công việc.
Điều hành các mảng nông nghiệp, bất động sản, ô tô hiện nay là nhân sự cuối 6x và giữa 7x. Nhiều nhân sự cuối 7x và ở lứa 8x cũng đang được đào tạo sát sao để viết tiếp tương lai của THACO.
Ngay cả cậu con trai út sau khi nhận bằng Kỹ sư quản trị công nghệ và kinh doanh về nước cũng đã quyết định ra Chu Lai làm việc, để có cơ hội học hỏi từ thực tế sản xuất, thay vì ở lại tổng hành dinh ở TP.HCM.
“Làm với bố cũng rất áp lực, phải cố gắng rất nhiều”, là điều mà các con của doanh nhân này cảm nhận được để nỗ lực và chăm chỉ.
Hải Yến