Triển vọng kinh tế thế giới: Động lực lớn đến từ châu Á
Cơ sở cho sự lạc quan này là sự phát triển mạnh mẽ của thương mại kỹ thuật số, sự phục hồi nhanh chóng của du lịch, cũng như những tiến triển trong việc triển khai các thỏa thuận kinh tế - thương mại. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu trở thành động lực tăng trưởng chính cho sự phục hồi kinh tế thế giới trong năm nay.
Kỳ vọng đà tăng trưởng tích cực ở châu Á
Theo báo cáo “Triển vọng kinh tế châu Á và tiến trình hội nhập kinh tế 2024” mới được công bố tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2024 vừa qua tại Hải Nam (Trung Quốc), kinh tế châu Á sẽ tiếp tục đứng trước không ít thách thức bên trong và bên ngoài, nhưng sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao nhờ các động lực tiêu dùng tương đối mạnh mẽ và chính sách tài khóa chủ động.
Theo báo cáo, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế bên ngoài và sự phục hồi chậm của nền kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế của châu Á năm nay dự kiến sẽ đạt 4,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm ngoái..
Đây cũng tiếp tục là khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Báo cáo cũng cho biết xét về sức mua tương đương, nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ chiếm 49% GDP toàn cầu vào năm 2024, tăng 0,5 điểm phần trăm so với năm 2023.
Báo cáo cũng dự báo, về tổng thể, áp lực lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ giảm hơn nữa trong năm 2024, nhưng lưu ý rằng lạm phát sẽ tăng ở các nền kinh tế hiện đang có lạm phát thấp hơn dự kiến.
Ông Li BaoDong, Tổng thư ký Diễn đàn châu Á Bác Ngao, cho biết chủ nghĩa bảo hộ thương mại và sự phân mảnh kinh tế ngày càng tăng. Nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước khi đại dịch bùng phát. Nền kinh tế các nước châu Á cũng có nhiều biến động, nhưng khu vực này cho thấy khả năng phục hồi tốt.
Động lực tăng trưởng của châu Á sẽ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Arab Saudi và các nền kinh tế đang phát triển khác.
Với vị thế là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất và xuất khẩu nhiều loại hàng hóa, kinh tế khu vực châu Á đang ngày càng khẳng định vai trò to lớn trong nền kinh tế thế giới.
Sự hợp tác và liên kết kinh tế ngày càng tăng giữa các quốc gia châu Á chắc chắn sẽ giúp khu vực này nâng cao vị thế hơn nữa trong nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Những sức mạnh nội tại
Lĩnh vực thương mại và du lịch của châu Á dự kiến sẽ đảo ngược xu hướng giảm trong năm 2023 nhờ các động lực chính là sự phát triển mạnh mẽ của thương mại kỹ thuật số, sự phục hồi nhanh chóng của du lịch, cũng như những tiến triển trong việc triển khai các thỏa thuận kinh tế - thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.
Về thu hút đầu tư, nhiều diễn giả tham gia Diễn đàn châu Á Bác Ngao đánh giá, châu Á "vẫn còn tràn đầy sức sống và là điểm đến đầu tư hấp dẫn", dòng vốn FDI trong năm 2023 chủ yếu chảy vào bốn lĩnh vực chính là tiêu dùng, công nghiệp, điện tử và bán dẫn…
Đây là một tín hiệu tích cực, bởi khi vốn đầu tư chảy nhiều hơn vào các ngành như sản xuất tiên tiến, sẽ góp phần cải thiện năng suất và nâng cao đáng kể giá trị gia tăng cho các sản phẩm của châu Á.
Ngoài ra, hàng loạt chính sách điều tiết vĩ mô của các nền kinh tế lớn trong năm 2023 dự kiến sẽ tiếp tục phát huy tác dụng và góp phần củng cố đà phục hồi của kinh tế châu Á trong năm nay.
Năm 2023, châu Á có tới 3 trong số 5 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Riêng nền kinh tế Trung Quốc đã đóng góp hơn 30% cho tăng trưởng toàn cầu. Sự phát triển mạnh mẽ những năm gần đây đã khiến châu Á trở thành "mắt xích" không thể thiếu trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư hay sản xuất.
Với các nước trong khu vực, việc các nền kinh tế lớn phát triển ổn định sẽ mang lại nhiều cơ hội cho mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng chuỗi cung ứng. Ngoài ra, vai trò đầu tàu của các nền kinh tế này cũng là tiền đề quan trọng để thúc đẩy giao lưu, hợp tác và thúc đẩy tiến trình hội nhập trong khu vực.
Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng là không ít thách thức, đòi hỏi các nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực phải nỗ lực cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, cũng như cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh để có thể tăng cường năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Động lực đến từ Trung Quốc
Phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2024, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Triệu Lạc Tế nhấn mạnh Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành động lực tăng trưởng chính cho sự phục hồi kinh tế thế giới trong năm nay, mở cửa thị trường rộng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển chất lượng cao. Trung Quốc sẽ mang đến cho thế giới những động lực mới từ kinh tế kỹ thuật số, carbon thấp, trí tuệ nhân tạo (AI).
Tại các diễn đàn nhánh, nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang đi đúng hướng khi dựa vào sản xuất tiên tiến, tăng tiêu dùng và dịch vụ. Chính sách mở rộng chi tiêu tài khóa sẽ giúp Trung Quốc vượt qua khó khăn để trở thành động lực tăng trưởng hàng đầu của thế giới.
Về tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc, ông Phan Công Thắng, cho biết Trung Quốc đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với 29 nước, khu vực, góp phần tạo thuận lợi cho thương mại.
Bên lề các diễn đàn tại Hải Nam và Bắc Kinh, lãnh đạo Trung Quốc đã tiếp xúc với nhiều quan chức, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia với cam kết cải thiện đáng kể môi trường đầu tư nước ngoài.
Trước đó vào ngày 22/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết nước này sẽ tối ưu hóa hơn nữa chính sách đối với thị trường bất động sản. Đầu tháng Ba, ông đã công bố mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5% trong năm nay, một mục tiêu mà nhiều nhà phân tích cho là đầy tham vọng.
Theo Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva, Trung Quốc cũng cần dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa bằng cách tăng thu nhập, tăng khả năng chi tiêu của các gia đình và mở rộng hệ thống an sinh xã hội, bao gồm cả hệ thống lương hưu theo cách “có trách nhiệm về mặt tài chính".
Theo bà Georgieva, Chính phủ Trung Quốc nên thiết lập một khung pháp lý mạnh mẽ về công nghệ AI. Bà đồng thời lưu ý rằng Trung Quốc đang dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi về khả năng sẵn sàng cho AI.