Triển vọng kinh tế toàn cầu qua góc nhìn các giám đốc điều hành
Khảo sát Giám đốc điều hành toàn cầu thường niên lần thứ 26 của công ty tư vấn PwC cho thấy 73% trong số 4.410 giám đốc điều hành từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ không tự tin về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, với 40% tin rằng công ty của họ sẽ không “ăn nên làm ra” trong một thập kỷ tới.
Theo nghiên cứu được thực hiện trong tháng 10 và tháng 11/2022, niềm tin của các giám đốc điều hành vào triển vọng tăng trưởng của công ty họ cũng giảm đáng kể (-26%), mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 khi mức giảm 58% được ghi nhận.
Các nhà lãnh đạo ở Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc lạc quan hơn về tăng trưởng trong nước hơn là tăng trưởng toàn cầu, so với các nhà lãnh đạo ở Pháp, Đức và Anh, vốn là những quốc gia đang bị cuộc khủng hoảng năng lượng đè nặng.
Không giống như ở cuộc khảo sát năm 2022, nơi các mối lo ngại hàng đầu là rủi ro về mạng và sức khỏe, các CEO đã chia sẻ những ý kiến khác nhau trong năm nay liên quan đến tác động của suy thoái kinh tế. Khảo sát cho thấy các giám đốc điều hành lo ngại về lạm phát và biến động kinh tế, được đo lần lượt ở mức 40% và 31%, trong 12 tháng tới cũng như 5 năm tới. Khoảng 25% số người được hỏi cho biết rủi ro xung đột địa chính trị khiến họ cảm thấy bị rủi ro về tài chính. Chủ tịch PwC toàn cầu Bob Moritz đánh giá: “Nền kinh tế đầy biến động, lạm phát cao trong nhiều thập kỷ và xung đột địa chính trị đã góp phần khiến các CEO bi quan ở mức độ chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ qua”.
Để đối phó với tình hình kinh tế hiện nay, hơn một nửa số CEO được hỏi cho biết đang tìm cách cắt giảm chi phí hoạt động, trong khi 51% nhắm đến việc tăng giá và 48% đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ của họ để kích thích tăng trưởng doanh thu. Tuy nhiên, bất chấp dự đoán tăng trưởng kinh tế chậm lại, 60% số người được hỏi cho biết họ sẽ không giảm quy mô lực lượng lao động trong 12 tháng tới. Ông Moritz cho rằng để các tổ chức doanh nghiệp không chỉ phát triển mà còn tồn tại trong vài năm tới, họ phải khéo léo cân bằng giữa yêu cầu kép là giảm thiểu rủi ro ngắn hạn và nhu cầu hoạt động với kết quả lâu dài, vì các doanh nghiệp không chuyển đổi sẽ không thể tồn tại.