Triển vọng xuất khẩu cả năm vẫn đứng vững trước 'mặt trái' của đồng USD mạnh

Diên Vỹ 21:00 | 29/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD. Ông Nguyễn Việt Phong (Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê) cho hay dự kiến cán cân thương mại trong năm nay vẫn sẽ xuất siêu và xuất khẩu vẫn sẽ có được tăng trưởng khá.

 

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 xuất siêu 1,14 tỷ USD

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,57 tỷ USD, giảm 11,9% so với tháng 8 và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2021; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,37 tỷ USD, giảm 15% so với tháng 8 và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9 ước đạt 28,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,8 tỷ USD, giảm 5,2% và tăng 14,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19 tỷ USD, giảm 8,3% và tăng 2,8%. 

Trong tháng 9, cán cân thương mại ước tính xuất siêu 1,14 tỷ USD.

 

Tính chung quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 90,7 tỷ USD, tăng 8,1%.

Kim ngạch thương mại hàng hóa 9 tháng tăng 15,1%

Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,89 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29,41 tỷ USD.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,22 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ và chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 209,3 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ và chiếm 74,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng, trong 9 tháng, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là mũi nhọn với tỷ trọng chiếm 89% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,6%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%; nhóm hàng thủy sản chiếm 3%...

Trong 9 tháng; có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó đáng chú ý có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD bao gồm Điện thoại và linh kiện; Điện tử, máy tính và linh kiện; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; Dệt, may; Giày dép; Gỗ và sản phẩm gỗ…

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 9 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (93,9% tổng kim ngạch nhập khẩu). Ngoài ra, nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,1%.

Trong 9 tháng, có 42 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; trong đó có 4 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD là Điện tử, máy tính và linh kiện; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; Điện thoại và linh kiện; Vải.

 

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2022, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 86,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 91,6 tỷ USD.

Trong 9 tháng năm 2022, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 24,3 tỷ USD; xuất siêu sang Nhật Bản 10 triệu USD; nhập siêu từ Trung Quốc 51,5 tỷ USD; nhập siêu từ Hàn Quốc 29,6 tỷ USD; nhập siêu từ ASEAN 9,3 tỷ USD.

 

Dự kiến Việt Nam xuất siêu năm 2022

Trong thời gian qua, tỷ giá ngoại tệ biến động và sự mạnh lên của đồng USD trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất đang khiến doanh nghiệp lo lắng. Thực tế, doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi phần nào khi đồng USD tăng giá và doanh thu xuất khẩu quy đổi sang đồng Việt Nam tăng. Nhưng một "mặt trái" là đồng USD mạnh cũng kéo theo chi phí nhập khẩu, phí logistics với hàng nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất để xuất khẩu tăng lên. Chưa kể doanh nghiệp phải chịu khoản chênh lệch lỗ tỷ giá rất lớn nếu vay nợ bằng USD.

Cùng đó, rủi ro suy thoái kinh tế và tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt tại một số nền kinh tế lớn vốn là thị trường xuất khẩu quen thuộc của Việt Nam có thể kéo theo nhu cầu suy giảm, tiềm ẩn tác động đến xuất khẩu.

Trả lời báo chí tại Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 diễn ra sáng 29/9 về triển vọng của xuất khẩu trong năm 2022 trong bối cảnh đồng USD mạnh và rủi ro suy thoái ở nhiều nền kinh tế, ông Nguyễn Việt Phong (Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê) cho hay dự kiến cán cân thương mại trong năm nay vẫn sẽ xuất siêu và xuất khẩu vẫn sẽ có được tăng trưởng khá.

Theo ông Phong, trong giai đoạn 2017-2022, chỉ riêng năm 2020 Việt Nam ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng chỉ đạt 4%, các năm còn lại đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng cao và rất cao. 

 

“Trong năm 2021, thời điểm dịch bệnh bùng phát, tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng đầu năm vẫn đạt 18,8%, còn 9 tháng năm 2022 đạt tăng trưởng 17,3%. Cùng đó, một điểm sáng của xuất khẩu 9 tháng năm nay là ngoài những mặt hàng chủ lực quen thuộc lâu nay còn nổi lên một số mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế, với mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu rất khả quan như hàng dệt may (tăng 24%), giày dép (tăng 36,6%), thủy sản (tăng 38%), cà phê (tăng 37,6%).... 

Do vậy, dự báo từ nay đến cuối năm, mặc dù rủi ro lạm phát và suy thoái kinh tế gây ảnh hưởng đến nhu cầu của các thị trường, cùng với đó đồng USD mạnh lên theo chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gây sức ép lên tỷ giá VND, tác động đến giá nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên theo nhận định của chúng tôi thì xuất khẩu của Việt Nam dự kiến cũng tăng trưởng khá”, ông Nguyễn Việt Phong thông tin.

Cũng theo vị này, công ty mạnh nhất về xuất khẩu tại thị trường Việt Nam là Samsung đến nay vẫn chưa thay đổi kế hoạch xuất khẩu của năm 2022, dự kiến vẫn giữ mức xuất khẩu bằng năm 2021. Đây cũng là một tín hiệu cho thấy triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay vẫn tương đối sáng.