Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đạt gần 4.200 tỷ, cao nhất trong nhiều năm

Diên Vỹ 11:11 | 29/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.170,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,8%.

 

Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng vượt xa mức trước dịch

Trong tháng 9, số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 493,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và  tăng 36,1% tới so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô ngang bằng với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa có dịch COVID-19.

Trong cả quý III/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.450,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với quý trước và tăng 41,7% so với cùng kỳ năm trước. 

 

Tính chung 9 tháng năm 2022,  tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt  4.170,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,8% (cùng kỳ năm  2021 giảm 6,6%). Đây cũng là con số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cao nhất trong nhiều năm qua, vượt qua cả cùng kỳ năm 2019, thời điểm dịch COVID-19 chưa xuất hiện.

 

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước đạt 3.300 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước 20 (loại trừ yếu tố giá tăng 11,6%), chủ yếu do doanh thu cùng kỳ năm trước đạt thấp vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đóng góp vào mức tăng doanh thu bán lẻ là tăng trưởng khả quan của nhiều mặt hàng: nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 25,9%; may mặc tăng 16,6%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 15,3%; lương thực, thực phẩm tăng 11,4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,9%. 

Một số địa phương ghi nhận doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng tích cực có thể kể đến: Khánh Hòa tăng 60,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 57,2%, Bình Dương tăng 43,0%; Cần Thơ tăng 41,1%; Hà Nội tăng 40,4%; Đà Nẵng tăng 39,5%; Hải Phòng tăng 31,2%; Quảng Ninh tăng 27,3%...

So với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2022 tăng 19%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm 2022 ước đạt 430,9 nghìn tỷ đồng, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè 21 . Mặc dù vậy doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm nay chỉ bằng 97,8% so với cùng kỳ năm 2019.​ 

Một số địa phương ghi nhận doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng tăng mạnh bao gồm: Cần Thơ tăng 122,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 100,2%; Hà Nội tăng 92,4%; Quảng Ninh tăng 84,7%; Đà Nẵng tăng 84,0%; Đồng Nai tăng 55,5%; Bình Dương tăng 48,7%...

Dù vậy, nếu so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm nay chỉ bằng 97,8% 

Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm 2022 ước đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa. Đáng chú ý, doanh thu du lịch tăng 3 chữ số ở một số địa phương như: Cần Thơ tăng 766,8%; Đà Nẵng tăng 634,7%; Hà Nội tăng 386,3%; Hải Phòng tăng 277%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 151,9%.

Tuy nhiên, doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm nay mới chỉ bằng 55,9% so với cùng kỳ năm 2019.​ 

Doanh thu dịch vụ khác 9 tháng ước đạt 421,1 nghìn tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp vào con số khả quan này là mức tăng mạnh đến từ một số địa phương như: Đà Nẵng tăng 85,8%; Cần Thơ tăng 55%; Thanh Hóa tăng 31,6%; Hà Nội tăng 30,9%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 23,8%; Bình Dương tăng 19,8%; Hải Phòng tăng 14,6%.

So với năm 2019, doanh thu từ dịch vụ khác trong 9 tháng năm 2022 cũng chưa phục hồi hoàn toàn.

Còn nhiều thách thức

Trả lời báo chí tại Họp báo công bố số liệu thống kê KT-XH quý III và 9 tháng năm 2022, ông Lê Trung Hiếu (Tổng cục Thống kê) nhận định tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng cao như vậy là con số tăng trưởng rất tích cực trong bối cảnh các hoạt động kinh tế - xã hội đã diễn ra bình thường trong điều kiện bình thường mới. Trong 3 tháng gần nhất, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng sau đều cao hơn tháng trước.

Tuy nhiên cũng phải nhìn lại rằng mức tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái một phần do tháng 9/2021 là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, dẫn đến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội và các hoạt động kinh tế, bao gồm cả tiêu dùng, chững lại một phần, nhiều ngành dịch vụ có tăng trưởng doanh thu doanh thu âm và âm rất sâu.

Thêm vào đó, ngoài doanh thu bán lẻ hàng hóa vượt mức cùng kỳ năm 2019, thì cả doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành và dịch vụ khác đều chưa phục hồi hoàn toàn. Đơn cử, doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm nay mới chỉ bằng 55,9% so với cùng kỳ năm 2019.​ 

Trong những tháng tiếp theo, ông Hiếu đánh giá tình hình giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao trên thế giới có nguy cơ gây sức ép lên mặt bằng giá tiêu dùng trong nước, ảnh hưởng đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Một nguyên nhân khác cũng có thể ảnh hưởng đến tình hình tiêu dùng trong nước là diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 với những biến chủng mới.