Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế 9 tháng đạt 10,54%

Diên Vỹ 12:06 | 29/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
9 tháng năm 2022, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế đã đạt 10,54%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế.

 

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/9 cho biết, tính đến thời điểm 20/9/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021, và tăng 4,95% so với cùng kỳ năm 2021.

9 tháng đầu năm, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,28%), trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 10,54% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,17%). Như vậy, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong 9 tháng hiện gấp 2,61 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Khoảng cách này có xu hướng ngày càng mở rộng. 

 

Trước đó, tại cuộc Họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022 mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Theo đó, tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Định hướng trong tương lai, Phó Thống đốc khẳng định NHNN sẽ tiếp tục điều hành room tín dụng linh hoạt. Nếu lạm phát đạt mục tiêu, NHNN sẽ điều chỉnh room tín dụng. Nhưng trong năm nay, áp lực lạm phát rất lớn nên NHNN kiên định mục tiêu room tín dụng ở mức 14%.

Cũng theo ông Đào Minh Tú, những tháng cuối năm, trong bối cảnh nền kinh tế, tiền tệ thế giới vẫn còn bất định; điều hành chính sách tiền tệ trong nước dự kiến sẽ rất khó khăn do vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Do đó, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

“Điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh để tạo động lực tăng trưởng bền vững, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro”, Phó Thống đốc khẳng định.