CPI 9 tháng tăng 2,73%, còn dư địa để kiểm soát lạm phát cả năm

Diên Vỹ 10:23 | 29/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 3,94%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, CPI bình quân tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2021.

 

CPI 9 tháng tăng 2,73%

Tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 diễn ra sáng 29/9, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương thông tin CPI tháng 9/2022 tăng 3,94% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số này được đóng góp bởi mức tăng từ 10/11 nhóm hàng tiêu dùng chính, bao gồm nhóm giáo dục (tăng 8,37%), nhóm giao thông (tăng 6,68%), nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 4,82%), nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 4,43%), nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 3,65%), đồ uống và thuốc lá (tăng 3,44%), nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 2,99%), nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 2,54%); nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (tăng 2,19%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,47%). 

Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,15% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.

Lạm phát cơ bản tháng 9/2022 tăng 0,47% so với tháng trước, tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. 

 

Như vậy, trong quý III/2022, chỉ số CPI tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng cục Thống kê cho hay một trong những nguyên nhân chính khiến CPI quý III/2022 của Việt Nam tăng 3,32% so với cùng kỳ năm ngoái là giá xăng dầu trong nước bình quân tăng 21,77% trong quý (so với cùng kỳ năm trước), tác động làm CPI chung tăng 0,78 điểm phần trăm. Cùng đó, giá các mặt hàng thực phẩm trong quý tăng 2,33% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI tăng 0,5 điểm phần trăm; trong đó giá thịt gà, hải sản tươi sống và dầu ăn lần lượt tăng 5,6%; 3,4% và 21,16%...

Tính chung 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá xăng dầu tiếp tục là một trong những nguyên nhân chính đóng góp vào mức tăng CPI bình quân 9 tháng. Cụ thể, trong 9 tháng năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 25 đợt. Bình quân 9 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 41,07% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,48 điểm phần trăm.

Cùng đó, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 9 tháng tăng 4,38% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm.

Ngoài ra, theo biến động chung của giá thế giới, giá gas trong nước 9 tháng năm nay tăng 18,75% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 9 tháng tăng 7,88% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm. Giá các mặt hàng thực phẩm 9 tháng tăng 0,5%, làm CPI tăng 0,11 điểm phần trăm. Giá gạo trong nước tăng 1,14%, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.

Bù lại, một số nhóm hàng tiêu dùng ghi nhận mức giá giảm, góp phần làm chậm đà tăng của CPI trong 9 tháng bao gồm giá dịch vụ giáo dục giảm 1,88% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí trong năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giá bưu chính viễn thông giảm 0,42% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm.

Lạm phát cơ bản tháng 9/2022 tăng 0,47% so với tháng trước, tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng, dầu.

Bình quân 9 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng, dầu.

Nhiều yếu tố gia tăng sức ép lạm phát trong những tháng cuối năm

Trao đổi về tình hình giá trong nước, bà Nguyễn Thị Thu Oanh (Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê) cho hay trên thế giới, lạm phát tại nhiều nền kinh tế đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt tại châu Âu (lạm phát tháng 8 tăng 9,1%) và Mỹ (lạm phát tháng 8 tăng 8,3%) buộc các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất. Hay tại Thái Lan, lạm phát tháng 8 tăng 7,9%, Hàn Quốc tăng 5,7%, Indonesia tăng 4,7%... 

“Chúng tôi đánh giá đây là một thành công của Việt Nam trong kiểm soát lạm phát và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong 9 tháng đầu năm”.

Cũng theo bà Oanh, công tác điều hành sát sao của Chính phủ với hàng loạt các biện pháp như hỗ trợ giá, giảm thuế VAT... đã góp phần làm giảm áp lực chung lên mặt bằng giá. Cùng đó, sự bình ổn giá ở loạt nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có tác động lớn đến CPI, chẳng hạn chỉ số giá nhóm giáo dục 9 tháng đầu năm tghi nhận giảm khi các địa phương giảm học phí hỗ trợ người dân sau dịch COVID-19…, hay việc EVN 4 năm qua không tăng giá điện mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh… cũng góp phần giúp kiểm soát lạm phát 9 tháng đầu năm.

Rất nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, đảm bảo nguồn cung thiết yếu cho người dân, đặc biệt là nguồn cung lương thực thực phẩm. Việt Nam có lợi thế là chủ động được nguồn cung lương thực thực phẩm, không chỉ đảm bảo phục vụ nhu cầu trong nước mà còn tăng trưởng xuất khẩu ra thế giới, chẳng hạn mặt hàng gạo.

Cùng đó, giá thịt lợn 9 tháng bình quân giảm gần 16% (do giá thịt lớn cùng kỳ năm 2021 chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và tăng rất cao), làm cho CPI 9 tháng giảm 0,54%. Giá thịt lợn giảm mạnh đã giúp kiềm chế đà tăng của nhóm thực phẩm, khi mà một số mặt hàng khác trong nhóm này có xu hướng tăng mạnh như giá dầu ăn.

Đánh giá về áp lực lạm phát cả năm 2022, bà Oanh cho rằng việc kiểm soát tốt lạm phát trong 9 tháng đầu năm sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam có dư địa để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm nay,

Tuy nhiên, một số yếu tố vẫn tiếp tục có khả năng gây sức ép lên lạm phát trong những tháng cuối năm như giá nguyên vật liệu nhập khẩu vẫn ở mức cao có nguy cơ đẩy giá tiêu dùng trong nước lên cao, cùng đó giá USD lên cao cũng có nguy cơ gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước. 

“Kim ngạch nhập khẩu của nước ta trên 90% là nhập khẩu tư liệu sản xuất, điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang phải chịu sức ép chi phí rất lớn. Cùng đó, dự báo giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu hiện nay. Một yếu tố khác là quy luật tiêu dùng trong nước: giá lương thực thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng vào các tháng cuối năm, dịp sát Tết, cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến áp lực CPI các tháng còn lại của năm. Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong các tháng cuối năm cũng có thể làm tăng giá nguyên vật liệu xây dựng, gây áp lực lên lạm phát…”, bà Oanh cho hay.