Trung Quốc: Nhập khẩu tăng đột biến do nhu cầu của người dân
Tháng trước, các số liệu ghi nhận, nhập khẩu của Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ trở lại đây, khi nhu cầu trong nước tăng đột biến. Tuy vậy, các quan chức và chuyên gia nhận định, vẫn cần hỗ trợ chính sách để củng cố sự phục hồi kinh tế và giúp đỡ các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tổng ngoại thương của Trung Quốc tăng 26,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 3,15 nghìn tỷ nhân dân tệ (487,6 tỷ USD) vào tháng 4. Tính theo đô la Mỹ, nhập khẩu đã tăng 43,1% trong tháng trước, tốc độ nhanh nhất trong hơn 10 năm.
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4, nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 5,3 nghìn tỷ nhân dân tệ trong khi xuất khẩu tăng 33,8% lên 6,32 nghìn tỷ nhân dân tệ, khiến thặng dư thương mại của nước này tăng 149,7% lên 1,02 nghìn tỷ nhân dân tệ, theo số liệu của Hải quan.
Các quan chức và chuyên gia cho biết, củng cố cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động ngoại thương và sự phục hồi kinh tế toàn cầu thúc đẩy nhu cầu ở nước ngoài, cũng như giá hàng hóa quốc tế tăng và phục hồi nhu cầu trong nước đã kết hợp để hỗ trợ nhập khẩu của quốc gia.
Ảnh chụp từ trên không vào ngày 3/3/2021 cho thấy các container chất đống tại cảng Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc.
Sheng Laiyun, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia, cho biết nền kinh tế Trung Quốc đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ, với nhu cầu tiêu dùng tăng lên và các chỉ số hàng đầu cho thấy những chuyển biến tích cực.
"Doanh số bán lẻ tăng 1,75% trong tháng 3 so với tháng 2, cho thấy mức tiêu thụ tiếp tục được cải thiện trong khi thị trường tiêu dùng rộng lớn của quốc gia có tiềm năng lớn và khả năng phục hồi mạnh mẽ", Sheng nói.
Bên cạnh đó, chỉ số quản lý mua hàng chính thức trong lĩnh vực sản xuất, một chỉ số kinh tế hàng đầu, vẫn ở mức "tương đối cao" là 51,1 vào tháng trước và báo hiệu đà mở rộng mạnh mẽ của nền kinh tế.
Liang Ming, một nhà nghiên cứu tại Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết chi tiêu tiêu dùng phục hồi và sản xuất tăng trưởng đã giúp thúc đẩy nhập khẩu của Trung Quốc với một lượng lớn các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp nhập khẩu từ các nước phát triển như Mỹ.
Trong khi đó, xuất khẩu tăng liên tục của Trung Quốc đã chứng minh chuỗi hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh và mạnh mẽ của nước này đã đóng góp nhiều hơn nữa vào sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh đại dịch gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng, Liang nói.
"Mặc dù xuất khẩu các vật liệu chống lại đại dịch của Trung Quốc đã giảm dần kể từ cuối năm ngoái, nhưng các sản phẩm cơ điện và điện tử, chẳng hạn như điện thoại di động và máy tính xách tay, có doanh số bán hàng mạnh mẽ. Xuất khẩu các sản phẩm này không giảm vì thế giới đang phục hồi sau đại dịch", theo Liang.
Các chuyên gia cũng cho biết thêm, nhiều công ty Trung Quốc đã thúc đẩy làn sóng tăng đơn đặt hàng ở nước ngoài và tăng sản lượng. Chẳng hạn, William Li, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc Nio Inc, cho biết xe Nio sẽ có mặt tại 5 quốc gia châu Âu vào năm 2022, sau khi bắt đầu xuất khẩu xe sang Na Uy vào tháng 9.
Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang phải chịu áp lực từ chi phí hàng hóa, nhân công và vận chuyển ngày càng tăng, Chen Zhongda, Phó Cục trưởng Hải quan Yinzhou, một chi nhánh của huyện Hải quan Ninh Ba ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc cho biết.
"Giá hàng hóa tăng đã lấy đà trong quý 4 năm ngoái, xu hướng này tăng tốc trong năm nay khi tốc độ tăng trưởng tiêu thụ vượt xa nguồn cung", Chen nhấn mạnh.
Sheng, quan chức của NBS, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Economic Daily rằng nhiều thực thể thị trường, bao gồm cả những thực thể nhỏ hơn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của COVID-19, hiện đang đối mặt với áp lực tăng giá nguyên liệu và các vấn đề kéo dài trong việc tài chính.
"Nền kinh tế vẫn chưa trở nên bình thường hóa hoàn toàn", ông nói, khi tăng trưởng kinh tế trung bình hai năm của Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm ở mức 5% và thấp hơn tốc độ tăng trưởng tiềm năng ước tính là khoảng 5,8%, với các ngành chính như dịch vụ, sản xuất, đầu tư và tiêu dùng.
Ông Sheng nói: "Chúng ta phải đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng khó khăn và duy trì tính liên tục, nhất quán và bền vững của các chính sách vĩ mô"
Thực tế, phát biểu của Sheng lặp lại tuyên bố trong cuộc họp của Cục Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, được tổ chức vào ngày 30/4 vừa qua. Tuyên bố cho biết sự phục hồi kinh tế vẫn chưa cân bằng và nền tảng chưa vững chắc, đồng thời cam kết tránh những biến động lớn về mặt vĩ mô của các chính sách.
Xem thêm: Giáo sư Mỹ khẳng định đầu tư vào Vùng vịnh lớn của Trung Quốc là nước đi thông minh
Tùy Ý