Trung Quốc: Nhiều công ty lớn cảnh báo về doanh số bán hàng chậm lại
Từ “gã khổng lồ” hàng tiêu dùng Unilever, cho đến nhà sản xuất ô tô Nissan, hay hãng máy móc Caterpillar, các các công ty lớn trên toàn cầu đều đang cảnh báo xu hướng sụt giảm doanh số bán hàng tại thị trường Trung Quốc, sau khi đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm đi, bắt đầu từ quý 2/2023.
Vào tuần trước, Giám đốc Tài chính của Unilever, Graeme Pitkethly, cho biết người tiêu dùng Trung Quốc đang trở nên thận trọng hơn, khi thị trường bất động sản suy giảm, nhu cầu xuất khẩu đi xuống và tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là trong nhóm thanh niên, rất cao. Phát biểu tại sự kiện công bố báo cáo thu nhập quý 2/2023, ông Pitkethly nói có thể cho rằng niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đang ở mức thấp lịch sử.
Tương tự, Giám đốc điều hành Nissan, Makoto Uchida, chia sẻ triển vọng doanh số bán hàng của công ty ở Trung Quốc đang thấp hơn nhiều so với năng lực sản xuất. Ông Uchida cho biết việc phục hồi doanh thu tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới của công ty có thể sẽ mất một khoảng thời gian dài nữa.
Cảnh giác với những dữ liệu kinh tế quý 2/2023 mờ nhạt, hầu hết các công ty, tập đoàn toàn cầu đã dừng việc nâng triển vọng của thị trường Trung Quốc trong các quý tới. Một số công ty tiêu dùng lớn, vẫn giữ niềm tin vào sức mua khổng lồ của thị trường này, như Procter & Gamble, L'Oreal và Coca-Cola, đã lựa chọn đưa ra một lập trường ít bi quan hơn, nhưng vẫn rất thận trọng.
Các nhà sản xuất ôtô toàn cầu đã báo cáo về sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ nội địa của Trung Quốc. Trong năm 2023, lần đầu tiên các hãng ôtô Trung Quốc chiếm hơn 50% thị phần trong nước. Nhà sản xuất ôtô Volkswagen mới đây tuyên bố điều chỉnh giảm mục tiêu doanh số cả năm của công ty, do doanh số bán hàng ở Trung Quốc giảm.
Trên lĩnh vực công nghệ, các nhà sản xuất chất bán dẫn (chip) như Samsung và SK Hynix cũng cho biết, việc Trung Quốc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để chống lại dịch bệnh COVID-19 cũng không thể tạo ra sự “hồi sinh” trên thị trường điện thoại thông minh. Để đối phó với tình hình, hai doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc đang mở rộng việc cắt giảm sản xuất NAND – chip bộ nhớ dùng để lưu trữ dữ liệu trong các loại điện thoại thông minh.
Ngay cả “gã khổng lồ” Apple, trong báo cáo thu nhập quý dự kiến công bố ngày 3/8, nhiều khả năng sẽ thông báo doanh số bán điện thoại iPhone không thay đổi tại thị trường lớn thứ ba của hãng.
Các công ty khai thác hàng đầu và các nhà sản xuất máy móc hạng nặng cũng báo cáo những ảnh hưởng tiêu cực, xuất phát từ sự sụt giảm kéo dài của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. Trong báo cáo thu nhập công bố ngày 1/8, Giám đốc điều hành của Caterpillar, Jim Umpleby, cho biết dự kiến doanh số bán hàng của hãng ở Trung Quốc sẽ thấp hơn mức thông thường hàng quý từ 5% đến 10%.
Tuy nhiên, nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới Rio Tinto đã lạc quan một cách thận trọng khi đề cập đến triển vọng kinh doanh tại Trung Quốc, với kỳ vọng sẽ có thêm lực đẩy, khi Trung Quốc cam kết sẽ ban hành nhiều chính sách hơn để thúc đẩy tăng trưởng.
Trong suốt quý 2/2023, sự phục hồi liên tục của các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh ở Trung Quốc chủ yếu giới hạn trong một số lĩnh vực như ăn uống và hàng xa xỉ.
Nhà kinh doanh đồ uống nổi tiếng Starbucks đã báo cáo doanh số bán hàng ở Trung Quốc tăng 46% trong quý 2/2023 - sự phục hồi phù hợp với kỳ vọng của hãng và có khả năng đà tăng sẽ tiếp tục kéo dài trong các quý tới.
Công ty Yum China, chủ sở hữu của chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh KFC và Pizza Hut ở Trung Quốc Đại lục, cho biết doanh thu quý 2/2023 tăng 25% khi lượng mua hàng quay trở lại gần với mức trước đại dịch.
“Ông lớn” trong ngành kinh doanh hàng thời trang cao cấp LVMH, chủ sở hữu 75 thương hiệu xa xỉ, bao gồm Louis Vuitton và Tiffany, đã báo cáo doanh số bán hàng toàn cầu trong quý 2/2023 tăng 17% so với dự kiến, nhờ sự phục hồi doanh thu ở thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, Giám đốc tài chính của LVMH, Jean-Jacques Guiony, đã không đưa ra triển vọng kinh doanh cho phần còn lại của năm nay, mặc dù khẳng định công ty không “bi quan” về viễn cảnh kinh tế sắp tới./.