Trưởng thành nhưng liên kết DN FDI, DN nội địa chưa như kỳ vọng
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua 30 năm thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, nhiều chính sách được cập nhật kịp thời, bổ sung cho phù hợp, nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi đã được tháo gỡ và xử lý thuận lợi. Qua đó, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, góp phần thu hút ngày càng nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.
“Cộng đồng DN Việt Nam bao gồm DN trong nước và nước ngoài đã ngày càng trưởng thành, đông thêm về số lượng, mạnh lên về tiềm lực và là động lực quan trọng góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua liên tục tăng trưởng ở mức cao, GDP năm 2017 đạt 220 tỷ USD tăng gấp 8 lần so với năm 1997, phấn đấu đến 2020 GDP đạt khoảng 300 tỷ USD”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) đã tạo ra những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế, thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị DN, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, cũng như tạo ra nhiều việc làm trong các lĩnh vực của nền kinh tế.
Liên kết chưa như kỳ vọng
Mặc dù khẳng định về tác động lan toả nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực DN trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp.
Đồng tình với nhận định trên, tại VBF 2018, Chủ tịch KOCHAM, ông Kim Heung Soo chia sẻ: Thực tế là đại đa số các DN địa phương ở Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất các sản phẩm phụ trợ đáp ứng yêu cầu của các DN FDI, cho dù, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và nuôi dưỡng các DN vừa và nhỏ trong ngành chế tạo. Thậm chí, DN FDI (cụ thể là DN Hàn Quốc) cũng rất cố gắng để chung sức với Chính phủ Việt Nam về vấn đề này.
“Hiện nay, KOCHAM đang khảo sát các trường hợp DN Hàn Quốc hợp tác thành công với các DN Việt Nam. KOCHAM sẽ thông báo kết quả này cho các DN thành viên để ngày càng nhiều DN Hàn Quốc hỗ trợ DN Việt Nam và có kế hoạch khuyến khích để hai bên cùng phát triển”, ông Kim thông báo.
Ví dụ điển hình về trường hợp của Công ty Điện tử Samsung (SEV) mà ông Kim đưa ra có thể được xem là một tín hiệu tích cực để DN FDI và DN nội địa thêm gắn kết thời gian tới.
“Công ty Điện tử Samsung (SEV) đã có thông cáo báo chí về việc đạt được thành tích nâng cao năng suất lên 85% thông qua chương trình tư vấn cho các DN Việt Nam hợp tác với Samsung (vendors). Samsung ước tính rằng chương trình tư vấn của Điện tử Samsung dành cho 26 DN Việt Nam hợp tác với Samsung từ năm 2015 đến năm 2017, đã giúp cải thiện hiệu suất vận hành thiết bị hơn 30%, giảm tỉ lệ lỗi hơn 20%. Trong năm nay, điện tử Samsung cũng đang tiến hành tư vấn cho các DN hợp tác và có kế hoạch tăng số lượng DN được tư vấn hàng năm”, ông Kim minh chứng.
Không chỉ DN FDI chủ động
Cùng với đó, Chính phủ phải có các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự liên kết giữa DN trong nước và DN nước ngoài một cách hiệu quả và dễ tiếp cận.
Đề xuất theo một khía cạnh khác, xuất phát từ những thách thức liên quan đến miễn và hoàn thuế hải quan đối với hàng xuất khẩu sản xuất bằng thuê ngoài (outsourcing), Chủ tịch KOCHAM khuyến nghị Chính phủ Việt Nam và các DN FDI cần nỗ lực để tạo thêm liên kết giữa khu vực FDI với khu vực DN trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị.
Đặc biệt, ông Kim nhấn mạnh: “Để các DN xuất khẩu không gặp bất lợi, chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam ban hành quy định nêu rõ “miễn thuế đối với cả trường hợp sản xuất bằng thuê ngoài”. Nhờ đó sẽ góp phần phát triển các DN phụ trợ và các DN vừa và nhỏ của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy thương mại, hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam".