TS. Cấn Văn Lực: Tư nhân tham gia phát triển năng lượng tái tạo cần cơ chế khác biệt

16:01 | 01/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhấn mạnh này được TS Cấn Văn Lực đưa ra khi bàn về các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo sau khi Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời (2/2020) và Dự thảo Quy hoạch điện VIII sắp trình Chính phủ.
TS. Cấn Văn Lực: Tư nhân tham gia phát triển năng lượng tái tạo cần cơ chế khác biệt - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chi phí sản xuất điện giảm nhanh - yếu tố thuận lợi cho dự báo tham vọng
 
Theo TS Cấn Văn Lực, giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân vào năng lượng tái tạo (NLTT) đang là một trong những vấn đề quan trọng, khi mà Nhà nước chỉ có ngân sách từ 20-25%, còn lại 75% là xã hội hóa để đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, trong bối cảnh chi phí sản xuất điện đang giảm nhanh thì nhà đầu tư tư nhân đang đứng trước nhiều cơ hội cho việc tham gia thúc đẩy phát triển lĩnh vực NLTT là một yếu tố thuận lợi cho dự báo tham vọng.
 
Những năm gần đây cho thấy, việc đầu tư phát triển các nhà máy, dự án sản xuất điện sử dụng NLTT đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế. Nếu năm 2016 tổng công suất lắp đặt điện NLTT mới chỉ đạt khoảng 303 MW thì đến năm 2020 tổng công suất ước tăng gấp hơn 20 lần, đạt khoảng 7.000 MW và vượt cả quy hoạch công suất NLTT năm 2020 của Chính phủ.
 
Tỷ trọng NLTT sản xuất bằng thủy điện (nhỏ) tiếp tục là nguồn NLTT chiếm tỷ trọng cao nhất (50%), tuy nhiên các nguồn NLTT mới như điện gió, điện mặt trời đang phát triển nhanh thời gian qua nhờ chi phí ngày càng giảm.
 
Theo Irena, chi phí sản xuất điện NLTT trong 10 năm qua (2010-2019) đã giảm 82% đối với điện mặt trời (PV) và 47% với điện mặt trời CSP; 39% đối với điện gió trên bờ và 29% điện gió ngoài khơi.
Chi phí sản xuất điện NLTT giảm nhờ quá trình cải tiến công nghệ sản xuất, tiết giảm chi phí và cải thiện hiệu quả hoạt động. Theo tổ chức nghiên cứu (Carbon Tracker) thì chi phí sản xuất điện từ các nguồn NLTT, trong đó bao gồm điện mặt trời đang thấp hơn so với chi phí nhà máy điện than ở tất cả các thị trường lớn.
 
Về dự báo tăng trưởng tái tạo theo khu vực và trên thế giới, TS Cấn Văn Lực cho rằng, dự báo mới nhất năm 2019 là các nước trên thế giới đều có xu hướng và có tiềm năng phát triển NLTT tốt hơn. Trung Quốc 5 năm tới tăng khá lớn, khoảng 20-25% so với thời điểm hiện nay. Hiện tính đầy đủ hơn cả thủy điện nhỏ thì NLTT trên thế giới tính trong năm 2018 chiếm khoảng 26%, định hướng tới 2030 là 38%, 2050 là 55%. Đây là một dự báo khá tham vọng nhưng vẫn có thể xảy ra.
 
Năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, từ đó dẫn tới giảm nhu cầu sử dụng năng lượng toàn cầu, đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu khí. Theo cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), lĩnh vực NLTT được đánh giá có khả năng chống chịu tốt hơn các nguồn năng lượng khác, nhưng vẫn không thể tránh được ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn như: suy giảm nhu cầu sử dụng năng lượng và nhu cầu đầu tư, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị do phần lớn các nhà máy sản xuất thiết bị NLTT đặt tại Trung Quốc và một số quốc gia khác. Theo IEA, công suất lắp đặt nhà máy NLTT mới lần đầu tiên sụt giảm 13% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.
 
Tuy nhiên, trong dài hạn, tác động của dịch COVID-19 lại được đánh giá là tích cực do việc gia tăng lo ngại tác động ô nhiễm môi trường sẽ đẩy mạnh quyết định lựa chọn NLTT của các quốc gia; sự biến động quá lớn về giá cả nhiên liệu hóa thạch như dầu khí đã làm gia tăng lo ngại về khả năng đảm bảo ổn định an ninh năng lượng nếu các quốc gia nếu tiếp tục dựa vào các nguồn năng lượng này; NLTT có thể được lựa chọn các chương trình phục hồi kinh tế các quốc gia trên toàn cầu sau Covid-19
 
“Chi phí sản xuất điện giảm rất nhanh thời gian qua nhưng không biết Việt Nam có làm được hay không? Trong khoảng 10 năm vừa qua, tất cả các loại chi phí đối với NLTT như điện mặt trời, điện gió ngoài khơi đều giảm tương đối nhanh, từ 30-50%. Đây là thông tin rất quan trọng chúng ta cần tính toán thời gian tới”, ông TS Cấn Văn Lực nói.
 
Đột phá nào từ Nghị quyết 55?
 
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được xây dựng và dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm 2020, đầu năm 2021 được đánh giá là một đột phá, tạo ra khung pháp lý rất quan trọng cho nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư tư nhân tham gia sâu hơn vào lĩnh vực NLTT.
 
Cùng với đó, thời gian vừa qua, Đảng, Chính phủ đã tạo cơ chế chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về giá liên quan đến phát triển năng lượng sạch, năng lượng xanh, trong đó có NLTT. Tất cả đều hướng tới chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, phù hợp với xu thế toàn cầu, giúp Việt Nam không bị tụt hậu trong chiến lược phát triển kinh tế 10 năm tới (2021-2030).
 
“Sau dịch Covid, đặc biệt là trước những biến đổi khí hậu thì người ta đặt câu chuyện NLTT vô cùng quan trọng và rất nhiều tiềm năng. Mấy ngày qua chúng ta đã bàn với nhau nhiều về vấn đề thủy điện với hệ lụy lớn khi quy hoạch không tốt. Cho nên chuyển sang NLTT vừa xanh, sạch, vừa an toàn hơn là một vấn đề cấp thiết. Câu chuyện Hà Nội, TPHCM, rác thải Bãi rác Nam Sơn đang làm đau đầu nhà quản lý là một minh chứng.”, ông Lực phân tích thêm.
 
TS. Cấn Văn Lực: Tư nhân tham gia phát triển năng lượng tái tạo cần cơ chế khác biệt - ảnh 2
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-tiền tệ Quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV
 
Đánh giá về sự phát triển của lĩnh vực NLTT, với sự tham gia ngày càng tốt hơn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, TS Cấn Văn Lực cho biết, theo EVN, tính đến cuối tháng 8 năm 2020, Việt Nam có khoảng 102 dự án điện mặt trời đang hoạt động với tổng công suất đạt 6.314 MW; 11 nhà máy điện gió với tổng công suất 435 MW và 325 MW điện sinh khối và 10 MW điện chất thải rắn. Điện mặt trời áp mái cũng phát triển khá mạnh mẽ đạt 948MWp với 42.000 hệ thống điện.
Hiện tại, số lượng dự án NLTT đăng ký vẫn tăng mạnh với tổng công suất điện mặt trời, điện gió được phê duyệt bổ sung quy hoạch đã lên tới 23.000 MW, trong đó điện mặt trời khoảng 11.200 MW, điện gió khoảng 11.800 MW.
 
Nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư NLTT, trong đó top 10 doanh nghiệp dẫn đầu như: Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group); Công ty CP Năng lượng Dầu Tiếng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group); Tập đoàn TTC; Tập Đoàn Bim Group; Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng (Vietracimex); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập Đoàn Sunseap (Thái Lan); Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Du lịch Công Lý; Tập đoàn Sao Mai.
 
Tổng công suất nguồn điện của Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu với danh mục 29 nhà máy điện mặt trời và điện gió là trên 2.300 MW. Trong đó, 2.164,52 MW điện mặt trời và 139,15 MW điện gió.
Về cơ cấu, tỷ trọng NLTT, nếu như năm 2016, tỷ trọng công suất điện NLTT gần như không đáng kể chỉ khoảng 0,4% tổng công suất phát điện thì đến nay đã đạt 7.000 MW, chiếm tỷ trọng khoảng 11,6% tổng công suất hệ thống điện (vào khoảng 60.000 MW).
 
Về dư nợ tín dụng xanh, thực hiện Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam theo Quyết định số 1604/2018/QĐ-NHNN, tính đến hết T12/2019, dư nợ tín dụng xanh chiếm khoảng 4,1% tổng dư nợ nền kinh tế, đạt trên 320 ngàn tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng trung dài hạn chiếm 76%, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5-8%/năm và trung dài hạn từ 912%/năm. Tổng dư nợ tín dụng xanh NLTT chiếm 17% tương đương gần 54 ngàn tỷ đồng, còn lại là tín dụng nông nghiệp xanh chiếm 45% và các lĩnh vực liên quan khác.
 
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại còn có các nguồn vốn tài trợ ủy thác từ các tổ chức quốc tế như ADB hay WB với dự án REDP giai đoạn 2009-2018. Dự án REDP do WB cung cấp có tổng giá trị tương đương 204,27 triệu USD, trong đó nguồn vốn tài trợ không hoàn lại là 2,272 triệu USD. Đến năm 2018, dự án đã giải ngân toàn bộ số vốn trong đó tài trợ cho 19 dự án NLTT có tổng công suất lắp đặt 320,4 MW.
 
Tuy nhiên, việc khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực phát triển NLTT còn gặp khó. Bên cạnh những hạn chế về cơ chế, chính sách và quy hoạch, nhất là quy định độc quyền nhà nước về truyền tải điện còn nhiều bất cập; Quy hoạch điện VIII còn nhiều nội dung tiếp tục hoàn thiện thì Luật PPP cũng mới được thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2020.
Các dự án NLTT hiện nay chủ yếu thực hiện theo hình thức đầu tư tư nhân, hình thức xã hội hóa đầu tư PPP chưa được triển khai mạnh. Xuất hiện một số dự án có hiện tượng lách luật gần đây, xé lẻ dự án tổng thể đầu tư, làm tăng thêm chi phí đầu tư, dẫn đến băn khoăn của cơ quan quản lý và các bên tài trợ dự án.
 
Cùng với đó, nguồn vốn tài trợ các dự án NLTT chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, thiếu sự đa dạng hóa nguồn vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư, FDI…
 
Hệ thống NHTM chưa có định hướng cụ thể cho tài trợ phát triển NLTT mà chủ yếu thực hiện thông qua định hướng tín dụng xanh, trong đó tỷ trọng dư nợ NLTT còn khá thấp (chiếm khoảng 17% so với dư nợ nông nghiệp xanh chiếm 45% tổng dư nợ xanh).
 
Nguồn vốn trung dài hạn NHTM cũng gặp hạn chế do chủ yếu huy động ngăn hạn từ dân cư, trong khi cơ quan quản lý ngày càng quan tâm kiểm soát rủi ro thanh khoản của các NHTM (giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn). Vai trò của Ngân hàng phát triển trong đầu tư CSHT, trong đó có NLTT còn khá mờ nhạt.
 
Thậm chí, NHTM còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, đánh giá rủi ro dự án NLTT do lĩnh vực này còn mới, trong khi các quy định về hỗ trợ NLTT còn chưa thực sự rõ ràng và nhất quán; và chủ đầu tư cũng còn thiếu kinh nghiệm, còn đầu tư theo tâm lý bầy đàn và chưa bài bản, còn hiện tượng lách luật.
 
Tạo kênh tốt thúc đẩy hợp tác công tư
 
Để tạo kênh tốt thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực NLTT, TS Cấn Văn Lực khuyến nghị cần sớm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị (11/2/2020) về phát triển năng lượng đến 2030; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý phát triển NLTT, trong đó cần xem xét sửa đổi Luật điện lực theo hướng cho phép xã hội hóa 1 phần đầu tư lĩnh vực truyền tải điện; nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành luật NLTT; sớm có hướng dẫn triển khai luật PPP tạo điều kiện cho xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực năng lượng nói chung và NLTT nói riêng.
 
Cùng với đó, sớm ban hành quy hoạch điện VIII cùng với các giải pháp thực hiện đồng bộ các khâu tử sản xuất, truyền tải, hạ tầng đến bán điện và thị trường điện cạnh tranh. Các dữ liệu tính toán quy hoạch cần được nghiên cứu kỹ lượng dựa trên cơ sở khoa học để đảm bảo chính sách đúng đắn, ổn định và lâu dài.
 
“Trong đổi mới theo thông lệ quốc tế, cần có cơ chế chính sách đặc thù cho từng loại NLTT riêng. Ví dụ, điện gió trên mặt đất và ngoài khơi đều chung cơ chế, trong khi cách vận hành khác nhau. Điện gió ngoài khơi theo Nghị quyết 55 còn gắn với vấn đề an ninh quốc phòng, kinh tế biển. Hiện nay chúng ta tập trung rất nhiều vào điện mặt trời, còn NLTT khác chưa quan tâm nhiều, như sinh khối, rác thải, khí sinh học. Điều này cho thấy rất cần thiết cần cơ chế khác biệt trên lĩnh vực NLTT”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
 
Theo TS Cấn Văn Lực, cần tăng nữa vai trò của quỹ đầu tư bởi nhiều quỹ đầu tư chia sẻ muốn đầu tư vào dự án nhưng chưa có thông tin chứng minh tính khả quan của dự án.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa nguồn vốn phát triển NLTT thông qua việc tranh thủ nguồn vốn xã hội hóa vào lĩnh vực NLTT, trong đó, đặc biệt xem xét thúc đẩy tốc độ hoàn thiện hạ tầng truyền tải điện đồng bộ với quy hoạch phát triển các dự án NLTT; cho phép xã hội hóa một phần khâu truyền tải điện và phân phối trực tiếp.
 
Tiếp tục tìm kiếm nguồn lực tài trợ, vốn ODA từ các tổ chức quốc tế như ADB, WB, IMF, các nhà tài trợ khác, các tổ chức phát triển NLTT quốc tế uy tín về cả vốn và trợ giúp kỹ thuật. Đồng thời, phát triển thị trường trái phiếu, quỹ đầu tư, trong đó có thị trường trái phiếu năng lượng sạch, trái phiếu xanh là loại hình đã được các định chế tài chính quốc tế lớn (WB, IFC, ADB…) thực hiện thành công trong thời gian qua.
 
TS. Cấn Văn Lực: Tư nhân tham gia phát triển năng lượng tái tạo cần cơ chế khác biệt - ảnh 3

Bên cạnh việc nghiên cứu ưu tiên một phần nguồn vốn ngân sách nhất định dành cho phát triển NLTT trong một số lĩnh vực cụ thể như phát triển quỹ năng lượng bền vững, đầu tư hạ tầng cơ sở truyền tải điện, đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tái định cư cho người dân tại các vùng dự án; nâng cao năng lực của ngân hàng phát triển trong tài trợ các dự án NLTT, NHNN cần xây dựng các chính sách khuyến khích tín dụng NLTT mạnh mẽ hơn như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc tăng cho vay tái cấp vốn cho các TCTD có tỷ lệ dư nợ tín dụng NLTT cao; điều chỉnh trọng số rủi ro đối với dư nợ tín dụng NLTT xuống thấp hơn tín dụng thương mại khác…; xây dựng cơ chế quản lý, giám sát, đánh giá tác động môi trường phù hợp phù hợp đối với mỗi loại dự án NLTT.
 
Lời khuyên của TS Cấn Văn Lực đối với doanh nghiệp, chủ đầu tư là cần chủ động, nghiêm túc nâng cao năng lực, nắm bắt kỹ thuật công nghệ và có định hướng đầu tư lâu dài ổn định, không chạy theo phong trào và tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn nhằm trục lợi ưu đãi từ cơ chế, chính sách mà không tính đến hiệu quả lâu dài.
 
Nhà đầu tư nên tăng khả năng tự chủ nguồn vốn đầu tư giảm dần tỷ trọng vốn vay, các nguồn vốn có chi phí cao; chú trọng nguồn vốn trung dài hạn từ thị trường trái phiếu, các quỹ đầu tư và cả nguồn vồn quốc tế; cẩn trọng trong tiếp cận, phát triển các dự án NLTT mới, trong tính toán hiệu quả dự án, dòng tiền gắn với mức giá mua điện phù hợp và có phương án dự phòng các mức giá thay đổi, công suất hiệu suất dự án thay đổi.
 
Vấn đề không kém phần quan trọng là phải bàn kỹ hơn về vai trò của kinh tế tư nhân trong thời gian tới trên lĩnh vực NLTT vì có nhiều bàn cãi về chuyện này. Liệu có thể cho phép tư nhân tham gia một phần truyền tải điện được không? Chính sách đặc thù cho lĩnh vực NLTT thế nào? Hiện nay chúng ta có mặt trời, điện gió, sinh khối, sau này là điện từ rác thải, như vậy, cơ chế phải khuyến khích ưu đãi điện làm từ rác thải hơn so với điện mặt trời. Quy hoạch điện VIII cũng phải đặt trong tầm của an ninh năng lượng quốc gia, nhất là trong bối cảnh liên quan quản lý tài nguyên, môi trường, chống biến đổi khí hậu.
 
“Rất mong nhà đầu tư tính toán kỹ hơn phương án quản lý rủi ro. Đồng thời, Nhà nước có chính sách ổn định, dài hơi hơn để nhà đầu tư đỡ bị rủi ro chính sách. Qua vụ lũ lụt miền Trung mới bàn tới giải pháp nào chống rủi ro cho điện áp mái trong bối cảnh mưa bão. Quản lý rủi ro thế nào, liệu có nhà đầu tư có mua bảo hiểm không, mua của ai? Nếu không, nhà đầu tư có thể mất trắng”, ông Lực nói.
 
Minh Hoa