Tư vấn chính sách cho phát triển kinh tế gắn với chống chịu biến đổi khí hậu
17:02 | 25/11/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng trên diện rộng thuộc phạm vi toàn cầu; trong đó, Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Nhằm hướng tới xây dựng một mô hình tích hợp để đánh giá tác động của các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực cho phía Việt Nam trong việc áp dụng mô hình vào phân tích và hoạch định chính sách và tư vấn chính sách, sáng 25/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo: Khởi động dự án Tư vấn chính sách cho phát triển kinh tế gắn với chống chịu biến đổi khí hậu, giai đoạn 2019-2022.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng phụ trách CIEM cho biết, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng trên diện rộng thuộc phạm vi toàn cầu; trong đó, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Đó là thách thức lớn, liên tục đối với Chính phủ, các ngành và địa phương; nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh biên giới, đồi núi nói chung...
Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần có sự tham gia, phối hợp để chủ động phòng chống biến đổi khí hậu; giảm thiểu tối đa rủi ro; trong đó, cần có hoạt động nghiên cứu, tư vấn và có kế hoạch hành động theo tinh thần nhất quán là yêu cầu quan trọng hàng đầu.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm, tập trung theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh kết hợp phòng chống biến đổi khí hậu; từ tầm quốc gia đến từng lĩnh vực, địa phương thông qua các hoàn cảnh, năng lực ứng phó cụ thể. Việt Nam cũng có Chương trình và Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và thu được những kết quả nhất định trong phòng chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác hại; sẵn sàng lồng ghép các hoạt động liên quan với mục tiêu này.
Theo nghiên cứu sơ bộ của các chuyên gia, nếu như một thế kỷ nữa, nhiệt độ nước biển tại Việt Nam tăng 3 độ C thì mực nước biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng thêm từ 55-75 cm và sẽ khiến cho 40% tổng diện tích đồng bằng bị ngập nước. Việc nước biển dâng, xâm nhập mặn sẽ khiến cho 45% diện tích vùng này bị nhiễm mặn vào năm 2030.
Còn theo số liệu của Cục Quản lý Tài nguyên nước - Bộ TN&MT và Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ NN&PTNT, hiện khu vực ĐBSCL có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km, trong đó sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566 km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch); sạt lở bờ biển 52 điểm với tổng chiều dài 268 km.
Từ thực tiễn đó, theo các chuyên gia của CIEM, dự án trên đã xác định việc lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào chính sách kinh tế và sẽ mang lại sự hiểu biết toàn diện về tác động của biến đổi khi hậu; xây dựng năng lực bảo đảm năng suất của các ngành khi có biến đổi khí hậu; nghiên cứu dài hạn, phát triển bền vững gắn với chống chịu góp phần vào cải cách kinh tế.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận của dự án là nâng cao năng lực mô hình kinh tế vĩ mô và tư vấn chính sách với hàng loạt nội dung, yêu cầu như: rà soát mô hình kinh tế vĩ mô, đánh giá mô hìng, lập cơ sở dữ liệu phù hợp, phân tích tài liệu liên quan đến lập kế hoạch, xác định các yếu tố chính, phụ, diễn giải kết quả và hỗ trợ lồng ghép.