Tương lai năng lượng tái tạo Việt Nam ở đâu?
Nghị quyết 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị nêu rõ, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) vào các năm 2030 và 2045 dự kiến đạt lần lượt khoảng 30% và 40% tổng điện năng sản xuất toàn quốc.
Mở đường cho năng lượng tái tạo
Như đã đưa tin trong bài trước, trong cơ cấu nguồn điện, tổng công suất lắp đặt điện NLTT đạt 11,2% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống, tổng sản lượng điện NLTT đạt 4,4% tổng sản lượng điện toàn hệ thống. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ này đã nâng lên 30 - 40% tổng điện năng sản xuất toàn quốc.
Rõ ràng, NLTT đã được mở đường và chú trọng phát triển. Nghị quyết 55 nêu rõ: “Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch, ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế; xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”.
Nghị quyết 55 được các nhà đầu tư kỳ vọng như một luồng gió mới tháo dỡ nhiều rào cản cho sự phát triển của NLTT. “Xoá bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, chú trọng những dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường. Tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả cho ngành năng lượng”.
Thậm chí, lĩnh vực truyền tải điện đang được xem là độc quyền thì nay cũng mở cửa tại Nghị quyết 55: “Có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia”.
Theo đó, Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công thương xây dựng có cơ cấu nguồn điện NLTT theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương Đỗ Đức Quân cho biết: “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 đang được Bộ Công thương triển khai xây dựng và cơ bản đã hoàn thành Dự thảo lần 1. Trong Đề án lần này, phát triển các loại hình năng lượng tái tạo tương xứng với tiềm năng sẵn có là một trong những nội dung quan trọng được Bộ Công thương tập trung triển khai, nghiên cứu những giải pháp thực hiện nhằm đạt được những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị”.
Bao giờ cho đến tương lai?
Với những thực trạng và khó khăn như hiện nay của NLTT, liệu tương lai có đạt được mục tiêu đã đề ra.
Theo các nhà đầu tư, các chuyên gia trong lĩnh vực NLTT, muốn đi đến tương lai, chúng ta cần giải quyết các vấn đề vướng mắc hiện hữu như: tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy hoạch đồng bộ và chính sách ổn định.
Một dự án nhỏ về điện mặt trời. Ảnh: Kim Thanh
GS.TSKH. Nguyễn Mại cho rằng cần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính theo hướng chính phủ số tạo thành hệ thống giải pháp đủ mạnh để biến tiềm năng NLTT thành nguồn điện năng sạch trong tương lai.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập Đoàn HBRE Hồ Tả Tín kiến nghị: "Sớm quyết định cho phép kéo dài cơ chế giá FIT theo Quyết định 39 đến hết năm 2023 đối với điện gió trên bờ và hết 2025 đối với điện gió ngoài khơi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm triển khai đầu tư đưa các dự án điện gió đã được bổ sung quy hoạch vào vận hành, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Đồng thời, để gỡ khó cho nhà đầu tư NLTT, ngân hàng nên hạ yêu cầu về vốn tự có 30 - 40% giảm xuống còn 15 - 20%, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay dưới 8% và ưu tiên nguồn vốn dành riêng cho đầu tư năng lượng tái tạo".
“Theo kinh nghiệm tại nhiều quốc gia đã thành công trong việc thúc đẩy NLTT như Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Nhật Bản, những cam kết mạnh mẽ và dài hạn của Chính phủ là rất quan trọng trong việc thực hiện bất kỳ loại chính sách nào nhằm phát triển NLTT”, Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển NLTT.
Tuy nhiên, xử lý rác thải rắn với các tấm pin mặt trời sau khoảng 20 năm nữa đang là vấn đề nan giải. Hiện nay, chưa có tính toán hay bất kỳ giải pháp nào. Mặt khác, điện gió, điện mặt trời có những nhược điểm như phụ thuộc vào thiên nhiên, khi trời hết nắng, hết gió sẽ không có điện. Vì vậy, cần có các nguồn điện khác dự phòng.
Nhiều người lạc quan cho rằng, NLTT là nguồn điện sạch của tương lai và sẽ thay thế các nguồn điện khác. Đó là lạc quan tếu. Thực tế, trong tương lai, chỉ có thể tăng tỷ lệ NLTT trong cơ cấu các nguồn điện.
Kim Thanh