UBND tỉnh, thành phố sẽ ủy quyền cho cấp dưới quyết định giá đất

Tân Thanh 07:08 | 08/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 6/5/2023 về việc uỷ quyền quyết định giá đất cụ thể.

 

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 73 về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (6/5) và thực hiện đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành.

Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định và tình hình thực tế của địa phương thực hiện ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Đồng thời, UBND huyện cũng được thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất.

 

 UBND huyện có thể được ủy quyền quyết định giá đất bồi thường. Ảnh KTĐT.

Ngoài ra, UBND tỉnh có thể ủy quyền cho UBND huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất, thành viên Hội đồng bao gồm: Chủ tịch UBND huyện làm Chủ tịch Hội đồng và lãnh đạo cơ quan tài chính cấp huyện làm thường trực Hội đồng; lãnh đạo cơ quan tài nguyên và môi trường, các cơ quan chuyên môn cấp huyện có liên quan và lãnh đạo UBND cấp xã nơi có đất.

Tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia về giá đất và các thành viên khác do UBND huyện quyết định. Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện giúp UBND huyện trong việc tổ chức xác định giá đất.

Nghị quyết cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết để UBND huyện thực hiện việc quyết định giá đất.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý hành chính cấp tỉnh phải hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.

Theo quy định của Luật đất đai 2013, UBND cấp tỉnh là cơ quan ban hành bảng giá đất với kỳ hạn 5 năm/lần và hàng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất. Do đó, các địa phương ban hành bảng giá đất, trong đó bao gồm cả hệ số điều chỉnh giá đất đối với các vị trí đất, đoạn đường, đường đã có giá theo bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất.

 

Bảng giá đất mới theo thị trường dự kiến áp dụng từ năm 2026

Nội dung này được nêu tại tờ trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ gửi Quốc hội ngày 25/4. Dự thảo mới gồm 16 chương, giảm 13 điều so với bản thảo đưa ra lấy ý kiến.

Điểm mới tại dự thảo lần này là Chính phủ xác định bảng giá đất sẽ được ban hành hàng năm, thay vì 5 năm như hiện hành, để đảm bảo nguyên tắc thị trường.

Lý do chốt lựa chọn này, Chính phủ phân tích, tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 cho thấy rất ít địa phương thực hiện việc công bố bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20%. Việc này làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với diễn biến thị trường.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi khi bỏ khung giá đất, đưa ra cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường như tinh thần Nghị quyết 18, Chính phủ cho biết, bảng giá đất hiện hành sẽ được sử dụng đến hết năm 2025. Tức là, từ năm 2026 sẽ áp dụng bảng giá đất mới được xây dựng theo nguyên tắc thị trường. Với quy định này, các địa phương có đủ thời gian xây dựng, đưa ra bảng giá đất mới từ khi luật có hiệu lực thi hành đến cuối năm 2025.

"Việc ban hành bảng giá đất hàng năm tiếp theo sẽ theo hướng những khu vực, loại đất có biến động thì mới cập nhật giá để phù hợp với thị trường", theo tờ trình Chính phủ.