USD tăng giá mạnh ngày thứ 2 liên tiếp sau khi FED thay đổi chiến lược
Đồng USD đã ghi nhận mức tăng lớn nhất trong 2 ngày trong năm sau khi các quan chức của FED đưa ra thời điểm dự kiến về đợt tăng lãi suất đầu tiên sau đại dịch.
Chỉ số dollar - Dollar Index, khi đo lường giá trị với một rổ các loại tiền tệ lớn khác, đã tăng 0,87% vào 17/6 sau khi tăng gần 0,6% trong phiên trước đó. Đồng Euro mất 0,77% so với USD, có giá trị 1,19USD - mức tăng của USD so với Euro trong 2 phiên giao dịch là 1,8%.
Ngày 16/6 FED cho biết, hầu hết các quan chức của mình dự kiến sẽ tăng lãi suất vào năm 2023, so với các dự đoán trước đó vào năm 2024, khi nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và lạm phát giá tiêu dùng đạt mức 5% hàng năm vào tháng 5.
Đồng USD đang tăng giá so với Euro. Ảnh: DailyFX.
Chủ tịch FED Jerome Powell cũng nói rằng các quan chức đang "bàn luận" về việc giảm mua tài sản trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng, vốn đã thúc đẩy thị trường tài chính kể từ tháng 3/2020.
Brian Nick, chiến lược gia trưởng về đầu tư tại công ty quản lý tài sản Nuveen cho biết sau khi quan sát chỉ số USD hầu như không thay đổi trong nhiều tuần, khi các nhà giao dịch đang chờ các manh mối về lãi suất: “Phản ứng của đồng USD là không cân xứng... Tôi cảm thấy có rất nhiều tiền đằng sau cuộc họp đang chờ được kích hoạt".
Các nhà đầu tư phần lớn kỳ vọng FED sẽ bắt đầu thảo luận về việc giảm hỗ trợ vào cuối mùa hè này, với trọng tâm chuyển sang những tín hiệu tiềm năng hơn nữa từ các nhà hoạch định chính sách toàn cầu tại hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole vào tháng 8.
Brian Rose, nhà kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management, tin rằng ngân hàng trung ương sẽ cung cấp cho những người tham gia thị trường "rất nhiều cảnh báo", và tìm cách kết thúc cái gọi là quy trình cắt giảm trước khi tăng lãi suất.
Thay đổi về kế hoạch tăng lãi suất của các nhà hoạch định chính sách đã gây ra bán tháo trên thị trường trái phiếu kho bạc, nơi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng 0,09 điểm phần trăm. Giá trái phiếu chính phủ Châu Âu giảm theo vào 17/6.
Tuy nhiên, trái phiếu kho bạc đã đảo chiều mạnh vào 18/6. Lợi suất kỳ hạn 10 năm thấp hơn 0,06 điểm phần trăm ở mức 1,51%. Trái phiếu kỳ hạn dài 30 năm thậm chí còn có biến động lớn hơn, lợi suất của nó giảm khoảng 0,1 điểm phần trăm xuống 2,1%.
Tuy nhiên, các trái phiếu kho bạc có kỳ hạn ngắn hơn đã kéo dài xu thế hôm 16/6. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm dao động cao hơn gần 0,01 điểm phần trăm ở mức 0,21%.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán vẫn ở gần mức cao gần đây khi các nhà đầu tư tập trung vào thực tế là các quan chức FED đã nâng cao triển vọng tăng trưởng kinh tế của họ.
Chỉ số cổ phiếu blue-chip S&P 500 của Phố Wall đóng cửa không đổi, sau khi giảm 0,5% vào 16/6. Chỉ số Nasdaq Composite tập trung vào công nghệ tăng 0,9%. Stoxx Europe 600 cũng không đổi.
Zehrid Osmani, giám đốc quỹ tín thác toàn cầu của Martin Currie, cho biết đợt tăng lãi suất tiếp theo của Mỹ “sẽ diễn ra vào thời điểm nền kinh tế [toàn cầu] có thể tự đứng trên đôi chân của mình”.
Osmani nói thêm, nếu các quan chức FED vẫn tiếp tục mong đợi đợt tăng lãi suất tiếp theo vào cuối năm 2024, thì “sẽ có nhiều điều phải lo lắng hơn vì chúng ta có thể gặp nguy cơ [nền kinh tế Mỹ] quá nóng”.
Juliette Cohen, chiến lược gia tại CPR Asset Management, cảnh báo các nhà đầu tư cổ phần đang thể hiện sự “tự mãn” về lạm phát, điều này có thể làm xói mòn thu nhập của các công ty nếu họ không thể chuyển chi phí đầu vào cao hơn cho khách hàng của mình.
Nếu các công ty nêu rõ những vấn đề như vậy trong báo cáo thu nhập quý II sắp tới của họ, Cohen nói, “tâm trạng tích cực trên thị trường chứng khoán. . . sẽ là một dấu chấm hỏi”.
Tiệp Nguyễn