Ủy ban châu Âu ra quy định mới nhằm hạn chế các thương vụ thâu tóm của nước ngoài

12:40 | 07/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) đã công bố các quy định mới nhằm ngăn chặn các thương vụ thâu tóm của các doanh nghiệp nước ngoài được nhà nước bảo trợ.

Nếu được các nước thành viên EUNghị viện châu Âu (EP) thông qua, quy định mới sẽ cho phép các cơ quan về cạnh tranh của EU tiến hành điều tra các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách thâu tóm các công ty của EU hay các hợp đồng công của khối này.

Các quy định mới được cho là sẽ lấp các lỗ hổng về luật pháp trên thị trường chung châu Âu, nơi các doanh nghiệp nước ngoài được nhà nước bảo trợ hiện tại hầu như không gặp các rào cản, còn các doanh nghiệp do các nhà nước thuộc EU bảo trợ lại gặp nhiều bất lợi.

Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis nói: “Lợi thế bất công có được thông qua trợ cấp đang tác động bất lợi tới sự cạnh tranh quốc tế. Đây là lý do khiến chúng tôi đặt ưu tiên vào việc hủy bỏ những thủ tục bất công như vậy”.

Ủy ban châu Âu ra quy định mới nhằm hạn chế các thương vụ thâu tóm của nước ngoài - ảnh 1

Các quy định mới được cho là sẽ lấp các lỗ hổng về luật pháp trên thị trường chung châu Âu

Phó Chủ tịch EC Margrethe Vestager, phục trách chính sách cạnh tranh và chuyển đổi số của EC nói: “Năm 2019, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào EU trị giá hơn 7.000 tỷ euro. Việc mở cửa thị trường chung là tài sản lớn nhất của chúng tôi. Nhưng sự mở cửa này đòi hỏi phải đi đôi sự công bằng. Trong hơn 60 năm qua, chúng tôi đã có một hệ thống kiểm soát trợ cấp ngăn cản sự cạnh tranh giữa các nước thành viên. Và hôm nay, chúng tôi sẽ thông qua một đề xuất có thể hạn chế cả các doanh nghiệp được bảo trợ bởi quốc gia ngoài châu Âu. Trong giai đoạn đầy thử thách này, việc đảm bảo sự công bằng của môi trường cạnh tranh càng trở nên quan trọng, để hỗ trợ kinh tế châu Âu hồi phục”.

Theo quy định mới, cơ quan chống độc quyền của EU sẽ điều tra các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách thâu tóm các công ty châu Âu nếu các doanh nghiệp này được nhà nước bảo trợ và có doanh thu trên 500 triệu euro/năm.

Các doanh nghiệp nước ngoài được trợ cấp khi đấu thầu giành các hợp đồng công lớn ở châu Âu có giá trị từ 250 triệu USD trở lên, ví dụ như hợp đồng trong lĩnh vực đường sắt hay viễn thông... cũng là đối tượng điều tra.

Trong trường hợp cần thiết, EU có thể thực hiện các biện pháp điều chỉnh để khắc phục nguy cơ xảy ra cạnh tranh không công bằng, trong một số trường hợp có thể cấm sáp nhập hay trao hợp đồng cho công ty mà EU quan ngại.

Theo EU, trợ cấp bất công có thể bao gồm cho vay không lãi suất, được hưởng thuế ưu đãi hay đơn giản là được trợ cấp trực tiếp.

Dù không đề cập cụ thể, song các quy định này được cho là nhằm tới Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ giữa Liên minh châu Âu và với đối tác thương mại lớn thứ hai này đang ở mức thấp sau khi hai bên áp đặt trừng phạt trả đũa lẫn nhau.

T.T

Xem thêm: Uỷ ban Châu Âu: Xem xét gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép nhập khẩu