Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Thao túng, làm giá cổ phiếu ngày càng tinh vi
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (sáng 23/5), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý Chính phủ về việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn trì trệ. Theo cơ quan thẩm tra, tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm chỉ đạt 16,36%; có tới 17 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, Ủy ban Kinh tế QH đề nghị Chính phủ phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm. Đồng thời, Chính phủ cần báo cáo rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, hoàn thành kế hoạch; việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cốt lõi, hệ thống định mức và đơn giá xây dựng làm chậm giải ngân đầu tư công và ảnh hưởng đến chi phí đầu tư công.
Về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản, cơ quan thẩm tra cảnh báo có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định. “Trên thị trường cổ phiếu đã xuất hiện các hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và minh bạch của thị trường”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH - Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Thanh chỉ ra rằng, thị trường TPDN tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro cao, mất cân đối. Quy mô thị trường TPDN đến cuối năm 2021 tương đương 15% GDP, tăng trên 17% so với 2020. Năm 2021, tổng giá trị TPDN phát hành là hơn 637.000 tỷ đồng, tăng trên 36% so với 2020. Trong đó, phát hành riêng lẻ chiếm tới 95%; còn lại 5% là phát hành trái phiếu ra công chúng.
Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng tài sản rủi ro cao, như cổ phiếu chưa niêm yết, dự án, tài sản hình thành trong tương lai còn lớn... Việc này đã ảnh hưởng tới sự an toàn của thị trường.
Số dư đầu tư TPDN của các ngân hàng tăng nhanh, khi đến hết tháng 3 đã tăng 19% so với cuối năm 2021, với tổng số dư khoảng 326.500 tỷ đồng. Phần lớn các nhà băng đổ tiền vào trái phiếu doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực xây dựng, bất động sản, đạt 160.600 tỷ đồng, chiếm gần một nửa so với tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp toàn hệ thống.
"Chính phủ cần đánh giá cụ thể những rủi ro với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, trong đó làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết", Uỷ ban Kinh tế đề nghị.
Ngoài ra, Chính phủ cần làm rõ thêm về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp khi lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm nay lên tới 145.500 tỷ đồng. Hơn 43% trong số này là đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản; trái phiếu của các tổ chức tín dụng đáo hạn khoảng 20%...
Theo báo cáo, trong năm 2022, khối lượng TPDN đáo hạn vào khoảng 145,5 nghìn tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2%, trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn chiếm 20,2%, vì vậy, cần phải làm rõ thêm về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp.
Trước thực trạng này, Ủy ban Kinh tế đề nghị tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường TPDN; ban hành điều kiện, tiêu chí quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng với việc có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ lưu ý tới vấn đề lãng phí trong sử dụng đất đai ở một số nơi và tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá để trục lợi.
Trước đó, khi phát biểu khai mạc kỳ họp thứ ba sáng 23/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý các đại biểu Quốc hội về những bất ổn của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... Theo ông, việc này nhằm có đánh giá đúng những bất cập, yếu kém và chỉ rõ những khó khăn để có giải pháp xử lý.
Rủi ro tiềm ẩn trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cũng được Phó thủ tướng Lê Văn Thành, nêu là một trong những hạn chế, khó khăn trong điều hành kinh tế, thị trường vốn vừa qua.
Ông cho biết, công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản vừa qua được Chính phủ làm quyết liệt.
Từ cuối tháng 3 đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự về thao túng thị trường chứng khoán tại FLC, Louis Holdings và Công ty Chứng khoán Trí Việt. Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến công bố thông tin giao dịch của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan; doanh nghiệp tăng vốn khống; một số công ty chứng khoán có dấu hiệu hỗ trợ các đối tượng thao túng giá cổ phiếu thông qua dịch vụ môi giới chứng khoán và cho vay giao dịch ký quỹ giá trị lớn...
Tới đây, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. Các biện pháp tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản... cũng được đưa ra để các thị trường này phát triển lành mạnh.