VAMC sắp ra mắt sàn giao dịch nợ xấu

09:32 | 28/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sàn giao dịch nợ do VAMC thành lập được kỳ vọng góp phần hỗ trợ các ngân hàng giải quyết tình trạng nợ xấu tồn đọng, khó bán,

Các ngân hàng thương mại hiện vẫn tiếp tục gặp những vấn đề liên quan tới giải quyết những khoản nợ xấu với đủ mọi loại tài sản thế chấp kèm theo. Đơn cử như BIDV gần 20 lần rao bán không thành công món nợ trăm tỷ của Thuận Thảo Nam Sài Gòn, Vietinbank thông báo lần thứ 16 về việc đấu giá tài sản của CTCP TMXD Vận tải Anh Đạt nhưng vẫn không tìm được người mua, hay loạt món nợ tương tự mà các tổ chức tín dụng đang phải giảm giá... 

Chính vì vậy, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (VAMC) sắp khai trương sàn giao dịch với mục đích mua bán nợ xấu ngân hàng được nhanh và dứt điểm hơn. 

Theo đó, VAMC cho biết sàn giao dịch nợ sẽ hoạt động theo mô hình chi nhánh, đã được nhận giấy chứng nhận đăng ký hoạt động từ Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội). 

VAMC sắp ra mắt sàn giao dịch nợ xấu - ảnh 1

Nhiều ngân hàng bế tắc trong việc đấu giá, tìm người mua lại các khoản nợ xấu

Sàn giao  dịch nợ xấu sẽ thực hiện như: cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân. Đóng vai trò trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.

Hiện tại, sàn đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng và được dự báo sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức tín dụng khi đi vào hoạt động vào quý 3/2021. 

VAMC đang nhắm đến hình thành và cung cấp một loại hình dịch vụ mới, chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ xấu. Nhờ đó, vị thế của VAMC được nâng cao nhằm tạo động lực xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển. Doanh nghiệp muốn tạo dựng một vị thế trung tâm tại thị trường này. 

Bên cạnh đó, VAMC cho biết hiện tại vẫn xuất hiện nhiều vướng mắc, phát sinh khi xử lý nợ liên quan tới việc thu giữ tài sản đảm bảo, áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp tài sản đảm bảo tại Toà án, thi hành án, chính sách thuế chưa hỗ trợ tích cực...

Đại diện của VAMC cho biết, động lực để thành lập từ sàn giao dịch nợ xuất phát từ việc thực hiện Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017 – 2020 và hướng tới 2022 đã được phê duyệt theo Quyết định số 28/QĐ-NHNN ngày 05/01/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Đến ngày 28/4/2021, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận chủ trương thành lập sàn của VAMC bằng văn bản chính thức. 

Tính đến ngày 31/12/2020, VAMC và tổ chức tín dụng đã giải quyết xong khoảng 290.000 tỷ đồng nợ xấu; trong đó việc thu hồi nợ đạt gần 167.000 tỷ đồng. Sang năm 2021, VAMC tiếp tục làm việc với các ngân hàng xử lý trên 46.000 tỷ đồng, thu hồi nợ từ trái phiếu đảm bảo trên 14.000 tỷ đồng.

H.S

Xem thêm: Quốc hội đề nghị báo cáo về nợ xấu `phải là số thực`