Vàng có nguy cơ mất giá khi nhà đầu tư hứng thú với tài sản rủi ro hơn

Diệp Anh (TTXVN/Vietnam+) 07:57 | 02/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng vàng - vốn được xem là một kênh trú ẩn an toàn có nguy cơ mất giá khi nhà đầu tư hứng thú với các tài sản rủi ro hơn.

Khách hàng giao dịch vàng tại thị trường Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong khi giá vàng thế giới có xu hướng tăng trước những lo ngại về cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng toàn cầu và diễn biến của đồng USD, giá vàng trong nước tuần qua ghi nhận giảm.

Các chuyên gia cho rằng vàng - vốn được xem là một kênh trú ẩn an toàn có nguy cơ mất giá khi nhà đầu tư hứng thú với các tài sản rủi ro hơn.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 1/4, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,25-66,97 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Trong khi đó, tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,35-67 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Trước đó, giá vàng trong nước ghi nhận giảm ngay trong phiên giao dịch sang đầu tuần 27/3. Đến sáng 28/3, giá vàng được các doanh nghiệp giữ nguyên niêm yết. Sang sáng 29/3, trong khi giá vàng thế giới đi lên khi đồng USD yếu hơn, giá vàng trong nước diễn biến trái chiều.

Bật tăng phiên cuối tuần, giá bán vàng SJC vượt mốc 67 triệu đồng

Tiếp đó, khi đồng USD mạnh lên đẩy giá vàng thế giới đi xuống, giá vàng sáng 30/3 cũng có xu hướng giảm nhẹ và giao dịch quanh mốc 67 triệu đồng/lượng. Giá vàng bật tăng trở lại vào phiên giao dịch cuối cùng tháng Ba vừa qua.

Cùng lúc, tại thị trường thế giới, phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 31/3), cũng là phiên giao dịch khép lại quý 1 vừa qua, giá vàng hạ sau dữ liệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng nhẹ trong tháng trước đó.

Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.968,25 USD/ounce. Trước đó, giá vàng giao ngay tăng 0,4% khi dữ liệu cùng ngày cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát “ưa thích” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chỉ tăng 5% trong tháng Hai vừa qua, giảm từ mức tương ứng 5,3% của tháng trước đó. Giá vàng giao kỳ hạn cũng mất 0,6% còn 1.986,2 USD/ounce.

Nhà giao dịch kim loại quý độc lập Tai Wong tại New York cho biết: “Giá vàng tăng nhanh nhưng quay đầu đi xuống sau báo cáo về chi tiêu tiêu dùng. Những nhà đầu cơ giá lên muốn có mức đóng cửa rất cao, lý tưởng là trên 2.000 USD/ounce vào cuối quý, như một bàn đạp để thách thức mức cao kỷ lục mọi thời đại 2.070 USD/ounce, tuy nhiên, thị trường kim loại quý không diễn biến theo hướng đó.”

Chỉ số của đồng USD ổn định vào ngày 31/3, dù ghi nhận mức giảm trong quý 1, đã gây áp lực cho nhu cầu đối với vàng.

Chứng khoán toàn cầu tăng điểm trong phiên này, sau khi dữ liệu về PCE mang lại hy vọng về một chính sách nâng lãi suất bớt quyết liệt hơn từ Fed.