VCBS: Dự báo tăng trưởng GDP quý II khoảng hơn 5%, lãi suất điều hành có thể giảm thêm trong năm

Diên Vỹ 15:48 | 10/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong báo cáo vĩ mô mới cập nhật ngày 10/4, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá trong bối cảnh các điều kiện sản xuất vẫn tiềm ẩn các yếu tố không thuận lợi, khu vực dịch vụ dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định và trở thành động lực tăng trưởng chính. Theo đó, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm dự báo đạt 4,18%-4,39%. Ngoài ra, dự báo lãi suất cho vay có thể tạo đỉnh trong quý II.

 

Dự báo tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5,5-6%, lạm phát dưới 4,5%

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm phân tích VCBS nhận định con số này cho thấy những khó khăn của nền kinh tế trước ảnh hưởng nhu cầu kinh tế toàn cầu suy giảm và theo đó tác động rõ nét lên khu vực sản xuất. 

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I giảm 2,3% so với cùng kỳ (IIP tháng 1 giảm 11,1%; tháng 2 tăng 7,2%; ước tháng 3 giảm 1,7%). Chỉ số quản trị thu mua PMI trong tháng 3 cũng giảm trở lại dưới 50 ở mức 47,7 điểm, các đơn đặt từ nước ngoài lần đầu giảm.

 Nguồn: VCBS

Tăng trưởng tín dụng thấp và hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng âm cũng cho thấy những khó khăn đối với nền kinh tế tiếp diễn và đòi hỏi các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ gồm các nhóm giải pháp thức đẩy đầu tư công và kéo giảm mặt bằng lãi suất. Dòng vốn đầu tư FDI giảm so với cùng kỳ cũng là yếu tố cần được theo dõi sát sao trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trên thế giới vẫn đang tăng và thời điểm ban hành chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đang đến gần.

 Nguồn: VCBS

Trước những diễn biến thị trường thách thức từ cả trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu VCBS nhận định khả năng các hoạt động sản xuất chưa thể hồi phục mạnh mẽ trong quý II. Trong bối cảnh như vậy, VCBS kỳ vọng dịch vụ sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong quý II khi nền kinh tế vẫn đang ghi nhận tín hiệu lạc quan tại nhóm ngành dịch vụ với trọng điểm là nhóm dịch vụ lữ hành, lưu trú, ăn uống.

Một “đầu kéo” khác cho tăng trưởng kinh tế được VCBS đánh giá là “động lực thay thế quan trọng với chỉ báo tăng trưởng trong trƣờng hợp các động lực tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo không đạt kỳ vọng”, là đầu tư công. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã cho thấy những quyết tâm trong đẩy mạnh hoạt động giải ngân đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên kế hoạch 700.000 tỷ đồng (+25% so với kế hoạch 2022) với trọng tâm vào các dự án theo chiến lược nhằm đẩy mạnh liên kết vùng tạo động lực phát triển kinh tế thể hiện qua chỉ báo vốn đầu tư thực hiện từ NSNN. 

Với những yếu tố triển vọng và rủi ro như vậy, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm dự báo đạt 4,18%-4,39% (tương ứng dự báo tăng trưởng GDP quý II khoảng 5-5,4%). Dự báo cho cả năm 2023, VCBS ước tính tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5,52% - 5,93%. 

 

Về lạm phát, cũng theo đánh giá của VCBS, trong năm 2023, kỳ vọng lạm phát đến từ lộ trình tăng giá điện, tăng lương cơ bản,…. Tuy nhiên, các lo ngại về lạm phát đã dịu đi đáng kể so sánh với giai đoạn cuối năm 2022 do dự báo mặt bằng giá cả hàng hóa dự báo hạ nhiệt đáng kể khi nhu cầu chi tiêu chững lại đi cùng với khó khăn của nền kinh tế. VCBS dự phóng lạm phát bình quân năm 2023 có thể đạt dưới ngưỡng 4,5%. 

Trước đó, trong tháng 3/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,23% so với tháng trước; tương ứng tăng 3,35% so với cùng kỳ; lạm phát bình quân tăng 4,18%.

Lãi suất điều hành có thể giảm thêm trong năm 2023

Trong bối cảnh rủi ro lạm phát giảm đi đáng kể, VCBS nhận định đây là tiền đề để NHNN thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng đang gặp khó. 

Theo đó, nhóm phân tích dự báo trong điều kiện thuận lợi, lãi suất điều hành có thể giảm thêm trong năm 2023 và kéo giảm mặt bằng lãi suất giảm nhằm hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân là mục tiêu điều hành được ưu tiên. 

Mặc dù định hướng tăng trưởng tín dụng của NHNN năm 2023 trong khoảng 14% - 15%, mức tăng trưởng tín dụng thấp 2,06% tính đến 28/03 cho thấy khả năng hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế ở vùng lãi suất cao. 

Trước đó, ngày 31/03/2023, NHNN đã phát đi tín hiệu giảm lãi suất điều hành lần thứ 2 trong tháng 3. Trong đó, mức giảm chủ yếu là khoảng 0,5% được áp dụng cho các loại lãi suất điều hành chưa được điều chỉnh giảm ngày 14/03 như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô,… 

VCBS đánh giá động thái giảm lãi suất điều hành 2 lần trong tháng 3 cho thấy nỗ lực và định hướng điều hành nhất quán và linh hoạt của NHNN trong việc kéo giảm mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. 

Theo nhóm phân tích, mặt bằng lãi suất huy động được cho là đã tạo đỉnh và giảm 50-80 điểm trong quý I. Đây được xem là tiền đề quan trọng để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Trong quý II, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo giảm thêm sau khi các quyết định lãi suất mới có hiệu lực. Lãi suất cho vay có dấu hiệu tạo đỉnh mặc dù mức giảm chậm hơn lãi suất huy động do độ trễ chính sách và có mức độ tập trung cao vào một số doanh nghiệp ngành nghề ưu tiên.