Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tháng 9

19:06 | 26/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa cho biết, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trước đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đến hết tháng 8 giảm hơn 2%, trong khi lũy kế 7 tháng giảm tới 11%.

Thanh Hóa hiện có 35 doanh nghiệp FDI giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 160.000 lao động.

Số dự án cấp mới từ đầu năm đạt hơn 1.200 dự án, giảm gần 38% về số lượng, tuy nhiên tổng vốn đăng ký đạt gần 12,5 tỷ USD, tăng 20,6%. Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 6,4 tỷ USD, tăng 25,6%, trong khi giá trị vốn góp chỉ gần 3,2 tỷ USD, giảm 43,8%.

Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 11,8 tỷ USD, chiếm 53,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới không nhiều song với quy mô dự án lớn nên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 5,5 tỷ USD, chiếm gần 25% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, và giảm 7,2% so với cùng kỳ. Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản, đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, tăng 23,4%. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,3 tỷ USD, tăng 88,8%.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Singapore trở thành quốc gia dẫn đầu do đầu tư dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II với quy mô 3,1 tỷ USD, chiếm tới 49,3% tổng vốn đầu tư từ quốc gia này. Hàn Quốc mặc dù xếp thứ hai về vốn đầu tư, song lại là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn.

Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,6 tỷ USD, chủ yếu là dự án Nhà máy điện LNG, chiếm tới 85,3% tổng vốn đầu tư của Long An. Với việc LG điều chỉnh tăng vốn vào dự án LG Display, Hải Phòng vượt lên đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 2,7 tỷ USD.

Dù vậy, nếu xét về số dự án, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, như TP HCM, Hà Nội, Bắc Ninh.

Nếu xét về giá trị giải ngân, ước tính các dự án giải ngân được 13,28 tỷ USD trong 9 tháng, giảm 3,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất.

Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 tấn công vào nhiều địa phương đang thu hút dòng vốn FDI lớn ở nước ta như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương… làm dấy lên mối lo ngại về việc dòng vốn FDI sẽ có thể dịch chuyển khỏi Việt Nam.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, vốn thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trong tháng 8/2021 giảm 12,2% so với tháng 8/2020 và giảm 14,3% so với tháng 7/2021.

Đại dịch COVID-19 tác động mạnh tới khối doanh nghiệp FDI.

Trả lời trên báo điện tử VTV, ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, vốn FDI 7 tháng đầu năm giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó giảm chủ yếu ở mảng vốn về các dự án điều chỉnh (giảm 3,7%), giảm ở mảng góp vốn mua cổ phẩn (giảm 55,8%)… Tuy nhiên vốn thực hiện thì vẫn tăng (tăng gần 4%), cùng với đó là quy mô trung bình của dự án tăng lên - trung bình 10 triệu USD/dự án (so với 5,8 triệu USD/dự án trong năm ngoái).

“Đánh giá chung xu hướng giảm sẽ tiếp tục giảm do tác động từ dịch bệnh. COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc di chuyển của các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, phân tích về doanh nghiệp trước khi đưa ra các quyết định mua bán, sáp nhập, làm cho dòng vốn M&A giảm”, ông Trần Toàn Thắng nhận định về việc số lượng dự án FDI cấp mới và điều chỉnh góp vốn mua cổ phần ở Việt Nam đang có xu hướng giảm.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, giãn cách xã hội như vừa qua, tất yếu gây đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng. Hậu quả là đã có doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch đơn hàng khỏi Việt Nam.

“Chính sách không bảo đảm cho lưu thông hàng hóa, lao động không thể tiếp cận công việc, đơn hàng của doanh nghiệp bị đe dọa không thực hiện được”, ông Thiên lý giải.

Trao đổi về mối lo ngại ảnh hưởng của Covid sẽ khiến dòng tiền từ FDI bị sụt giảm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng: “Đợt dịch thứ 4 vừa rồi rõ ràng sẽ mang lại ảnh hưởng to lớn. Giãn cách xã hội nhiều tháng liền tại 2 TP. lớn nhất đất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (nơi tập trung nhiều doanh nghiệp FDI) tất yếu sẽ khiến chuỗi cung ứng bị giãn đoạn và đứt gãy. Hậu quả là đã có doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch đơn hàng khỏi Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Phú cho rằng, việc sụt giảm về thu hút FDI trong một thời gian ngắn chưa nói lên điều gì về xu hướng, nên cũng không thể dựa vào đó để khẳng định FDI vào Việt Nam sẽ giảm. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), dòng vốn FDI dịch chuyển vào Việt Nam có thể đang chậm lại. Mặc dù dòng vốn FDI giảm do cú sốc Covid-19, nhưng cũng chứng tỏ được sự vững vàng so với các quốc gia khác trên thế giới, cho thấy niềm tin vào tiềm năng kinh tế của Việt Nam.

'Nếu Việt Nam xây dựng tốt mối ràng buộc giữa các nhà đầu tư với các doanh nghiệp FDI thì cơ hội thu hút và giữ chân doanh nghiệp sẽ tốt hơn. Hoạt động đầu tư kinh doanh, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, là câu chuyện dài hạn, nghiên cứu thị trường chứ không phải việc ngày một, ngày hai, do đó, làn sóng chuyển dịch sẽ không xuất hiện bất ngờ.' - Chuyên gia Phú cho hay.