Vì sao bị phạt tới 2,8 tỷ USD cổ phiếu Alibaba vẫn tăng vọt?

15:39 | 12/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cổ phiếu của Alibaba đã tăng tới 9% phiên trong giao dịch ngày 12/4 ở Hồng Kông, sau khi vấn đề lớn treo lơ lửng trên đầu của tập đoàn này trong suốt mấy tháng qua đã được tháo bỏ.
Alibaba đã bị các cơ quan chức năng của Trung Quốc giám sát chặt chẽ kể từ khi nhà sáng lập của tập đoàn này, tỷ phú Jack Ma lên tiếng công khai chỉ trích hệ thống quản lý tài chính của Trung Quốc vào hồi tháng 10 năm ngoái.
 
Trong một hội nghị trực tuyến dành cho giới truyền thông và các nhà phân tích, CEO của Alibaba Trương Dũng cho biết, tập đoàn này sẽ công bố các biện pháp để giảm các rào cản gia nhập và chi phí kinh doanh mà những người bán hàng phải đối mặt trên nền tảng của mình.
 
Giám đốc điều hành của Alibaba cho biết, Alibaba vẫn tin tưởng vào sự hỗ trợ chính phủ Trung Quốc, bất chấp việc tập đoàn này vừa bị Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc (SAMR) phạt 18 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,8 tỷ USD) vì có hành vi vi phạm luật chống độc quyền.
 
Vì sao cổ phiếu Alibaba vẫn tăng vọt
Nhà sáng lập Tập đoàn Alibaba, tỷ phú Jack Ma
 
Nhà phân tích Kenny Ng của Everbright Sun Hung Kai cho biết: “Bây giờ án phạt đã được xác định, sự không chắc chắn về Alibaba sẽ được giảm bớt”.
 
“Giá cổ phiếu của Alibaba đã tụt hậu so với cổ phiếu của các công ty mới nổi khác. Việc thực hiện án phạt này được cho là sẽ giúp giá cổ phiếu của Alibaba lấy lại sự chú ý của thị trường ”, ông Kenny nói.
 
Trên thực tế, khoản phạt 2,8 tỷ USD không quá nghiêm trọng đối với Alibaba. Số tiền tương đương 4% doanh thu nội địa hàng năm của tập đoàn. Trong khi đó, mức phạt gần 1 tỷ USD dành cho nhà sản xuất chip Mỹ Qualcomm hồi năm 2015 chiếm tới 8% doanh thu tại Trung Quốc của công ty.
 
Một số chuyên gia nhận định 2,8 tỷ USD là khoản phí quá nhỏ để xóa bỏ "bóng đen quy định" đang phủ lên tương lai của Alibaba.
 
"Chúng tôi rất vui khi các vấn đề được giải quyết. Những quy định này được thực hiện để đảm bảo cạnh tranh công bằng", ông Joseph Tsai, nhà đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Alibaba, khẳng định.
 
Bên cạnh khoản phạt 2,8 tỷ USD, SAMR còn yêu cầu Alibaba phải cải tổ hoạt động để tăng cường tuân thủ nội bộ và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
 
Ông Lina Choi, Phó chủ tịch cấp cao tại Moody's Investors Service, cho biết: “Các biện pháp điều chỉnh bắt buộc có thể sẽ hạn chế tăng trưởng doanh thu của Alibaba vì việc mở rộng thị phần sẽ bị hạn chế”. Các khoản đầu tư để giữ chân người bán và nâng cấp sản phẩm và dịch vụ cũng sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận của tập đoàn này”.
 
Theo điều tra của SAMR, Alibaba đã ngăn cản những người bán hàng trên nền tảng của mình không được phép bán hàng trên các nền tảng khác từ năm 2015.
 
SAMR cáo buộc, đây là hành vi bất hợp pháp, vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc vì đã cản trở việc lưu thông hàng hóa tự do và xâm phạm lợi ích kinh doanh của mọi người.
 
Không chỉ Alibaba, gần đây các công ty công nghệ lớn khác của Trung Quốc đang chịu sự giám sát nghiêm ngặt của cơ quan chức năng về các vụ sáp nhập, mua lại và đầu tư chiến lược, như một phần của quy trình rà soát hoạt động của các "ông lớn" này.
 
H.A