Vì sao nhóm FLC khó hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin?

Đức Quyền 14:28 | 17/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kể từ sau khi ông Trịnh Văn Quyết vướng vòng lao lý hồi cuối tháng 3 đến nay, Tập đoàn FLC và các doanh nghiệp liên quan nhiều lần bị nhắc nhở vì vi phạm công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, có cổ phiếu bị hạn chế giao dịch hay thậm chí đình chỉ giao dịch.

 

 

  Logo bên trong tòa nhà trụ sở Tập đoàn FLC. (Ảnh: Song Ngọc). 

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết và một số cá nhân khác bị khởi tố trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp trong nhóm FLC  gặp nhiều khó khăn trong việc ký hợp đồng với đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính.

Trước khi cung cấp dịch vụ kiểm toán cho các doanh nghiệp niêm yết như FLC, công ty kiểm toán phải nằm trong danh sách được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Nhiều công ty kiểm toán không muốn hợp tác với nhóm FLC do lo ngại rủi ro liên quan tới vụ án ông Trịnh Văn Quyết.

Sau nhiều tháng tìm kiếm, vào ngày 21/7, Tập đoàn FLC đã ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 với Công ty TNHH Kiểm toán An Việt.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2022 của FLC vẫn chưa có đơn vị nào nhận soát xét và kiểm toán.

Tập đoàn FLC đã nộp báo cáo tài chính quý I và quý II/2022 nhưng do chưa tìm được công ty kiểm toán cho năm 2022 nên khả năng không hoàn thành nghĩa vụ nộp báo cáo bán niên soát xét trước hạn chót 30/8 là hoàn toàn có thể xảy ra.

CTCP Nông dược HAI (Mã: HAI) hiện chưa tìm được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 cũng như 2022. CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) ở trong hoàn cảnh éo le hơn khi vừa chưa tìm được công ty kiểm toán, vừa không có người đại diện theo pháp luật.

Theo quy định của Điều 29 Luật Kế toán 2015, báo cáo tài chính phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật trước khi công bố rộng rãi.

Người đại diện cũ của FLC Faros là bà Hương Trần Kiều Dung đã bị khởi tố trong vụ án liên quan ông Trịnh Văn Quyết. FLC Faros đã nộp hồ sơ tới Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hà Nội đề nghị đổi người đại diện sang tân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bình Phương. Đến nay thủ tục này vẫn chưa hoàn thành.

FLC Faros cho biết công ty đã chuẩn bị sẵn báo cáo tài chính năm 2021, quý I và quý II/2022 nhưng vì lý do "bất khả kháng" là không có chữ ký của người đại diện theo pháp luật nên không thể công bố.

Các cổ phiếu FLC, ROS và HAI cùng bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 1/6. ROS ở trong tình thế khó khăn hơn nên đã bị đình chỉ giao dịch từ ngày 12/8. Nếu FLC và HAI không thể sớm ký hợp đồng kiểm toán cho các báo cáo năm 2022 và không nộp đúng hạn báo cáo tài chính bán niên, hai cổ phiếu này cũng sẽ bị đình chỉ giao dịch như ROS.

Tập đoàn FLC, Xây dựng FLC Faros và Nông dược HAI đều chưa hoàn tất báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 nên không đủ điều kiện tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022.

FLC đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào hôm 2/7 và bầu bổ sung nhân sự vào Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát. FLC Faros cũng chốt danh sách cổ đông vào ngày 15/8 để chuẩn bị tổ chức đại hội bất thường. Lộ trình tổ chức đại hội thường niên vẫn còn chưa rõ ràng.

CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (Mã: GAB) mới đây cho biết nhiều công ty kiểm toán đã từ chối hợp tác do công ty này có liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết.

FLC GAB khẳng định ông Quyết không tham gia điều hành hay chỉ đạo các hoạt động quản trị công ty nên việc khởi tố và bắt tạm giam là chuyện cá nhân của ông Quyết. FLC GAB cũng không tham gia đầu tư chứng khoán nên không liên quan đến các giao dịch, hoạt động chứng khoán của ông Quyết mà cơ quan công an đang điều tra.

Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 51% vốn của FLC GAB. Cổ phiếu GAB cũng là một trong 6 mã chứng khoán mà cơ quan điều tra cho rằng đã bị ông Quyết thao túng giá.