Vì sao Sao Ta (FMC) xác định thị trường Trung Quốc không phải ‘miền đất hứa’?

Trang Mai 09:01 | 09/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra chiều ngày 7/4 của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC), đại diện Công ty chứng khoán Phú Hưng đã thắc mắc về việc tại sao doanh nghiệp “tập trung vào thị trường Nhật Bản” và “không thấy đề cập đến phát triển thị trường Trung Quốc trong chiến lược của mình”.

 

Với sự góp mặt của 48 cổ đông, chiếm 88% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đại hội cổ đông của Sao Ta chiều 7/4 đã được diễn ra theo đúng điều lệ. Kết thúc đại hội các tờ trình đều được thông qua.

Tại đại hội, ban lãnh đạo đã thông qua báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với doanh thu thuần 5.702 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 321 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 309 tỷ đồng, tăng lần lượt 10% và 12% so với cùng kỳ 2021. Kết quả này đã vượt 8% kế hoạch doanh thu và gần 3% chỉ tiêu lợi nhuận và cũng là kết quả doanh thu cao nhất trong vòng 26 năm hoạt động của FMC.

Nhận xét về tình hình kinh doanh của công ty, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT công ty nhận định rằng, Sao Ta đã kết thúc hoạt động năm 2022 với những bước đi “chậm rãi” ở quý IV do thị trường tiêu thụ trầm lắng và do năm nay vụ nuôi tôm mùa nghịch bị dịch bệnh tấn công nên sản lượng tôm thương phẩm sụt giảm đáng kể. Sản lượng chế biến chỉ bằng 90% so năm trước. 

Vì sao Sao Ta tập trung vào thị trường Nhật Bản, 'ngó lơ' Trung Quốc?

Cũng liên quan đến thị trường xuất khẩu, tại ĐHĐCĐ 2023, trả lời câu hỏi của đại diện Công ty chứng khoán Phú Hưng về việc “tập trung vào thị trường Nhật Bản” và “không thấy đề cập đến phát triển thị trường Trung Quốc trong chiến lược của mình”, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết trong năm qua đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh tôm giá rẻ Ecuador tấn công mạnh vào thị trường Hoa Kỳ, khiến thị phần tôm Việt ở đây có xu hướng giảm dần, Sao Ta đã hướng đến Nhật Bản.

“Tỷ suất lợi nhuận ở thị trường Nhật tốt hơn do có tỷ lệ hàng tinh chế, phối chế nên Sao Ta sẽ tập trung tổng lực để phát triển thị trường mục tiêu đề ra. 

Trung Quốc là thị trường lớn có 1,4 tỷ dân nhưng cũng có hơn 1.000 nhà máy chế biến. Trung Quốc mua tôm nguyên liệu về chế biến trong nước và mua chủ yếu tôm sú (là lợi thế của vùng Cà Mau, Bạc Liêu). Do vậy không phù hợp chiến lược của Sao Ta”, đại diện doanh nghiệp lý giải thêm.

Về kế hoạch xuất khẩu năm nay, Sao Ta cũng cho biết sẽ tập trung thúc đẩy Nhật Bản, Tây Âu và giữ ổn định ở Mỹ trên những nguồn lực sẵn có và việc mới thêm vùng nuôi 203 ha có chứng nhận ASC sẽ thuận lợi thâm nhập thị trường Tây Âu. 

Kế hoạch kinh doanh tăng trưởng trong năm 2023 với mục tiêu lãi ròng 400 tỷ

Trả lời đại diện của công ty Chứng khoán Agribank về tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý I và nhận định của doanh nghiệp khi nào thị trường xuất khẩu tôm hồi phục trở lại, ban lãnh đạo cho biết, doanh thu quý I/2023 đạt 74% so cùng kỳ năm 2022, nhưng toàn ngành giảm 40%. Lợi nhuận trong quý đạt trên 50 tỷ đồng.

Cũng theo đại diện Sao Ta, quý I/2023, doanh nghiệp không dám đặt kế hoạch chỉ tiêu vì tình hình còn mông lung nhưng các số liệu đạt được cơ bản tốt. "Chưa ai dám khẳng định khi nào tình hình thế giới ngừng suy thoái, nhưng dự đoán kinh tế Mỹ sẽ khởi sắc vào quý III, kéo theo tình hình thế giới khởi sắc" - đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh. 

Riêng ở Sao Ta, từ cuối năm 2020 nhận thấy chi phí logistic tăng quá cao nên doanh nghiệp đã chuyển hướng về thị trường xuất khẩu gần. Nhật Bản là thị trường trọng điểm của Sao Ta. Quý I/2023, thị phần Nhật hơn 40%. Thêm nữa Sao Ta mới có thêm vùng nuôi đạt chuẩn ASC sẽ là nền tảng thâm nhập vào thị trường EU. Do vậy tin tưởng rằng từ đầu quý III/2023, hoạt động Sao Ta sẽ khởi sắc rõ nét.

Đáng chú ý, đại diện Sao Ta đã lần đầu công bố thông tin tôm tự nuôi “vì tính chất tế nhị”. Theo đó, sản lượng năm 2021 đạt trên 8.000 tấn, năm 2022 đạt trên 6.500 tấn. 

Đại diện doanh nghiệp cho rằng Sao Ta có nền tảng tăng trưởng năm 2023 do có thêm cơ sở chế biến và vùng nuôi mới. Từ nửa cuối tháng 5,  Sao Ta dự kiến chắc chắn sẽ tăng trưởng do có thu hoạch tôm. Giá bán còn tùy thuộc xu hướng thị trường thế giới, nhưng tôm Việt Nam có trình độ chế biến cao và hàm lượng lao động cao hơn các nước khác nên giá bán cũng cao hơn chút.

Cũng tại đại hội, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 đã được thông qua với doanh thu tiêu thụ hợp nhất 5.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng. So với năm 2022, các chỉ tiêu này tăng lần lượt tăng 3,5% và 22%. 

 

Về mức chi trả cổ tức năm 2022, ban lãnh đạo quyết định chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ tối thiểu 20% (2.000 đồng/cổ phiếu). Ủy quyền cho HĐQT xem xét cho ứng trước số cổ tức ở từng thời điểm phù hợp.

Kế hoạch thù lao HĐQT và BKS năm 2023 là 1 tỷ đồng. Trong năm 2023, nếu hoàn thành kế hoạch tổng lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ thì thưởng 2% trên lợi nhuận sau thuế công ty mẹ hoặc thưởng 4% trên mức vượt phần lợi nhuận sau thuế công ty mẹ.

Trong một báo cáo triển vọng doanh nghiệp mới đây, chứng khoán VDSC dự phóng trong năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của FMC lần lượt đạt 6.249 tỷ đồng và 356 tỷ đồng, tăng 9,6% và 11% so với cùng kỳ 2022. Dự phóng này cao hơn 300 tỷ doanh thu so với kế hoạch doanh nghiệp đặt ra. 

VDSC cho biết, kế hoạch mở rộng nhà máy và vùng nuôi sẽ là động lực tăng trưởng cho sự phát triển của doanh nghiệp trong năm nay.