Doanh thu của Sao Ta (FMC) giảm tốc trong tháng 3

Lạc Lạc 15:12 | 04/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ tháng 3 với 14,6 triệu USD (khoảng 345 tỷ đồng), giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo kinh doanh tháng 3/2023, sản lượng sản xuất tôm thành phẩm của Sao Ta trong tháng đạt 1.147 tấn, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2022, tiêu thụ tôm thành phẩm khoảng 1.193 tấn, giảm 20%.

Về nông sản, sản xuất thành phẩm của công ty đạt 236 tấn, giảm 13%, tiêu thụ nông sản thành phẩm 138 tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. 

Doanh nghiệp cho biết, trong tháng 3, khu nuôi 320 hecta đã thả nuôi hoàn tất, khu mới hơn 200 hecta đang tiến trình làm ao. Dự kiến trong tháng 5 có thể thu hoạch tôm ở khu nuôi cũ và bắt đầu thả nuôi khu mới.

Trong tháng 3, Sao Ta thu về 14,6 triệu USD (khoảng 345 tỷ đồng), giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng tăng 9% so với tháng 2.

 

Sự sụt giảm doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái của của Sao Ta diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam không mấy tươi sáng trong các tháng đầu năm. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), ước xuất khẩu thuỷ sản trong quý I/2023 khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40% so với quý I/2022.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài diễn ra ngày 31/3, bà Tô Tường Lan – Phó tổng thư ký VASEP cho biết, trong quý I xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường chính đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh về kim ngạch. Riêng thị trường Mỹ giảm tới 55% so với cùng kỳ năm trước, châu Âu giảm 30%...

Theo bà Lan, xu hướng giảm tại các thị trường chính đang thể hiện rất rõ ràng và tín hiệu giảm sẽ kéo dài đến ít nhất qua hết hè năm nay. Nhiều doanh nghiệp thậm chí đến tháng 4,5 và 6 vẫn chưa có đơn hàng.

Có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đầu tiên là vấn đề lạm phát và khủng hoảng ngân hàng tại thị trường Mỹ. Thứ hai là do các nhà nhập khẩu cơ cấu lại đơn hàng khiến giá xuất khẩu thủy sản có xu hướng giảm. Thứ 3 là do sự cạnh tranh khốc liệt giữa thủy sản Việt Nam và các đối thủ khác như Ecuador và Ấn Độ tại các thị trường nhập khẩu.

Lực cầu yếu trong khi cạnh tranh ở trên thị trường khốc liệt. Tôm là sản phẩm có giá trị lớn nhất năm ngoái với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD thì năm nay với sự trỗi dậy của Ecuador và Ấn Độ, tôm đông lạnh của hai quốc gia này đã chiếm phần lớn thị phần tại Mỹ. Trong khi đó, đây lại thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. 

Còn ở Trung Quốc, tôm Ecuador đã chiếm tới 60% thị phần tôm đông lạnh, Ấn Độ chiếm khoảng 20%. Ấn Độ đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại và điều này tạo áp lực rất lớn đối với mặt hàng tôm.