Nhiều thách thức bủa vây, Sao Ta (FMC) vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số

Trang Mai 08:50 | 19/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố, doanh nghiệp này đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều tăng trưởng 2 chữ số so với cùng kỳ, dù cho sức ép từ lạm phát và tôm giá rẻ Ecuador vẫn đang hiện hữu.

Kế hoạch kinh doanh với mức tăng trưởng 2 con số

Năm 2023, công ty đặt kế hoạch 5.900 tỷ đồng doanh thu, 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 39%, 22% so với cùng kỳ 2022. Đồng thời, doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ thấp nhất là 20%, có thể thay đổi tuỳ theo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. 

Mục tiêu sản lượng tôm chế biến 22.000 tấn, sản lượng nông sản chế biến là 2.000 tấn tăng lần lượt tăng 7% và 1% so với năm trước.

Mức thù lao HĐQT và Ban kiểm soát dự kiến là 1 tỷ đồng. Về mức thưởng, nếu hoàn thành kế hoạch tổng lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ thì ban lãnh đạo sẽ được thưởng 2% trên lợi nhuận sau thuế công ty mẹ hoặc thưởng 4% trên mức vượt phần lợi nhuận sau thuế công ty mẹ.

Theo tài liệu, Sao Ta dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 vào ngày 7/4 tại Sóc Trăng. 

Dự báo tăng trưởng nhờ đầu ra ổn định, doanh thu cả năm vượt 6.000 tỷ

Trong báo cáo cuối năm 2022, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) không kỳ vọng ngành tôm nói chung và FMC nói riêng sẽ có những năm tăng trưởng đột biến theo cung cầu thị trường. Thay vào đó là sự tăng trưởng bền vững, được thúc đẩy nhờ cải thiện năng suất nuôi tôm, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại. 

 

Bên cạnh đó, FMC còn ghi nhận tốc độ tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua nhờ chiến lược linh hoạt tại các thị trường xuất khẩu. Cụ thể, FMC thường ưu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, vốn chiếm 30-40% giá trị xuất khẩu của công ty, nhờ nhu cầu ổn định và nền tảng khách hàng lâu năm. VDSC cho rằng kế hoạch tăng tỷ trọng xuất khẩu vào Nhật Bản của FMC là một chiến lược đúng đắn để lợi nhuận tăng trưởng bền vững trong những năm tới.

Những thay đổi bất lợi trong chính sách nhập khẩu và thuế quan ở các nước nhập khẩu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu tôm của Việt Nam, phải kế đến là thuế chống bán phá giá. FMC hiện đang được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0% ở thị trường Mỹ, nhưng vẫn có nguy cơ công ty sẽ bị đánh thuế trong tương lai, điều mà ngành tôm Việt Nam từng phải đối mặt vào năm 2018.

Tuy nhiên, chiến lược xuất khẩu linh hoạt đa dạng các thị trường của FMC sẽ giúp giảm thiểu tác động đến kết quả kinh doanh. Ngược lại, nếu các nước nhập khẩu đánh thuế vào các nước xuất khẩu tôm khác, Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn, chẳng hạn như sự tăng trưởng của ngành tôm trong năm 2017 sau khi EU áp thuế đối với tôm Thái Lan.

 

Ngoài ra, kế hoạch mở rộng nhà máy và vùng nuôi sẽ là động lực tăng trưởng cho sự phát triển của doanh nghiệp. 

Bộ phận phân tích kỳ vọng nhà máy Tam An có thể chạy hết công suất vào năm 2023, trong khi nhà máy lớn Sao Ta sẽ tăng dần thêm 20%, sau đó đạt hết công suất vào năm 2027. Sản lượng xuất khẩu tôm có thể tăng trưởng 7%. Tại thời điểm hoạt động hết công suất vào 2027, VDSC kỳ vọng sản lượng xuất khẩu tôm sẽ cao hơn 50% so với 2021.

 

Tuy nhiên, việc chỉ tự sản xuất 20–30% tôm nguyên liệu và phần còn lại mua ngoài từ nông dân nên biến động giá tôm nguyên liệu có thể tác động đáng kể đến giá vốn hàng bán của công ty, kéo biên lợi nhuận giảm. Bên cạnh đó lànhu cầu các thị trường tiêu thụ tôm chính của Việt Nam dự kiến sẽ chững lại trong năm 2023 khi nền kinh tế toàn cầu biến động tiêu cực, lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và hàng tồn kho cao tại các nước nhập khẩu. 

Từ những phân tích trên, chứng khoán VDSC dự phóng trong năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của FMC lần lượt đạt 6.249 tỷ đồng, tăng 9,6% và 356 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ 2022.