Việt Nam đang ở đâu trong dự báo tăng trưởng của các tổ chức quốc tế?
Theo đó, dự báo mới nhất của tổ chức ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á-Asian Development Bank) thì nước ta sẽ xếp vị trí thứ 5 về tăng trưởng với 3,8%. Singapore giành lại vị trí thứ 4 về quy mô kinh tế với mức tăng trưởng 6,5%, đạt 359,38 tỷ USD. Malaysia được ADB dự báo mức tăng trưởng 4,7%, theo tổ chức này thì vị trí của Malaysia về GDP vẫn sẽ không có nhiều sự đột biến trong năm 2021.
ADB đánh giá, nhờ sự mở rộng thương mại mà Việt Nam có nửa đầu năm 2021 với tăng trưởng GDP hồi phục. Tuy nhiên, tác động của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 là quá quá mạnh, nó đã gây ảnh hưởng tiêu cực nguồn cung lao động, làm giảm sản lượng công nghiệp và phá vỡ chuỗi giá trị nông nghiệp.
Dự báo của ADB cho Việt Nam được đưa ra từ tầm nhìn tình hình dịch bệnh tại Việt Nam giả sử sẽ được kiểm soát vào cuối năm 2021, đồng thời tổ chức tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số vào quý 2 năm 2022.
Trong khi đó, theo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) mới cập nhật ngày đầu tháng 10 của IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) lại cho thấy nhiều khả năng trong năm 2021, Việt Nam sẽ đứng thứ 6 Đông Nam Á về quy mô kinh tế, với mức tăng trưởng 3,8%, đạt 353,77 tỷ USD, giống với báo cáo của ADB. Còn Malaysia sẽ vươn lên đứng thứ 4 trong khu vực với mức tăng trưởng 6,5% và đạt 358,19 tỷ USD, dự báo của IMF cao hơn hẳn so với những thông số do ADB cung cấp.
Trái ngược với việc hạ dự báo về mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam của hai tổ chức trên, World Bank (viết tắt: WB, Ngân hàng thế giới) vẫn giữ sự lạc quan tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đồng thời cho rằng tăng trưởng kinh tế của Malaysia thấp hơn thấp hơn hẳn so với IMF và ADB với 3,3%. Từ đó cho thấy thứ hạng giữa các nền kinh tế của WB không có sự thay đổi so với năm 2020.
World Bank đưa ra đánh giá rằng tuy có khả năng chống chịu tương đối tốt, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn nhằm kiểm soát đợt bùng phát dịch tháng 4 trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp.
Bên cạnh đó, Ngân hàng thế giới cho rằng trong phần còn lại của 2021, chính sách tiền tệ được kỳ vọng tiếp tục nới lỏng và cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời hạn trả nợ. Chính sách tài khóa sẽ mang tính hỗ trợ hơn thông qua đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Trong dài hạn, World Bank vẫn cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi khi dịch bệnh được khống chế và cuộc sống trở lại bình thường. Theo tổ chức này, những dự báo báo này được tính toán trên giả định là các biện pháp hạn chế đi lại sẽ giúp kiểm soát lây nhiễm thành công vào cuối quý 3 để nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ trở lại trong quý 4.
Điều này ứng với bối cảnh trên thế giới, sự hồi phục kinh tế toàn cầu ẽ đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ở những thị trường xuất khẩu chủ lực (Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc). Ngoài ra, quá trình phục hồi kinh tế được hỗ trợ bằng chiến dịch tiêm chủng diện rộng, giúp ngăn ngừa việc xảy ra các đợt dịch nghiêm trọng mới.
Tổng cục Thống kê: Vẫn còn cơ hội cải thiện mức tăng trưởng
Do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, lại tin rằng Việt Nam vẫn còn cơ hội để cải thiện mức tăng trưởng hiện tại nếu sớm đạt được những thành quả tích cực hơn trong phòng chống dịch bệnh. Để làm được điều này cần thực hiện tốt song song hai mặt trận phòng chống dịch và phát triển kinh tế, đại dịch COVID-19 được khống chế.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết để đảm bảo đạt được mức tăng trưởng cao nhất, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước thì công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. Bởi chỉ khi phòng, chống dịch bệnh hiệu quả thì mọi hoạt động mới trở lại bình thường, doanh nghiệp mới yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.