Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam sau COVID-19
Tăng trưởng GDP 6 tháng của Việt Nam đạt 5,64%, đây là mức khá cao so với các nước trên thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; thu ngân sách nhà nước lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ; chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm... Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6% tới 6,5% của năm 2021 trở nên vô cùng thách thức khi đợt dịch COVID-19 thứ tư vẫn đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực, địa bàn quan trọng, có đóng góp lớn đối với phát triển kinh tế. Trong công bố mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tỏ ra thận trọng khi hạ dự báo GDP Việt Nam xuống còn 5,8% từ mức 6,7% đưa ra hồi tháng 4.
Nguyên nhân tới từ việc triển khai tiêm chủng chưa như kỳ vọng và áp dụng các biện pháp giãn cách kéo dài ở các khu vực tăng trưởng lớn nhất nước, gây ảnh hưởng đến lưu thông thương mại, hạn chế các hoạt động kinh tế. Cũng điều chỉnh mức dự báo, song Ngân hàng Standard Chartered-một tập đoàn quốc tế hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng vẫn có những dự báo lạc quan khi đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam sẽ đạt 6,5%, giảm nhẹ so với mức dự báo 6,7% được đưa ra trước đó.
Xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế sau đại dịch
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch, kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới. Thông điệp này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày hôm nay 6/9.
Theo Thủ tướng, đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát trong 4 tháng qua đã ảnh hưởng nặng nề tới sức khoẻ người dân, gây thiệt hại về con người, tác động tới kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm. Khu vực sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp, dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, tình hình 8 tháng qua cơ bản ổn định khi các nền tảng vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm cán cân cân đối của nền kinh tế. Các nhiệm vụ về văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tăng lên, ngoại giao vaccine được đẩy mạnh.
Đưa ra hai kịch bản điều hành kinh tế các tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra hai nhóm giải pháp về y tế và kinh tế. Trong đó, để tạo nền tảng cho tăng trưởng, nhóm giải pháp về y tế sẽ tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine, coi đây là giải pháp căn cơ khống chế dịch bệnh. Về kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chú trọng xây dựng kịch bản, lộ trình và điều kiện để mở cửa trở lại nền kinh tế, vừa giúp Chính phủ chủ động trong điều hành, vừa giúp người dân, đặc biệt khối doanh nghiệp (DN) chủ động phương án, sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Kịch bản mở cửa cần đề ra các dấu mốc quan trọng như: Mở cửa trở lại hoạt động hàng không, du lịch quốc tế, giảm thời gian cách ly đối với người đã tiêm vaccine. Mức độ mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ tương ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh và tỷ lệ tiêm chủng vaccine...
Nhìn nhận về thực trạng của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 là rất thách thức, nhưng cơ hội của 6 tháng cuối năm có rất nhiều. Chính phủ đang đẩy mạnh các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm. “Chính phủ đã chỉ đạo thành lập ngay một tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, sẽ tiến hành rà soát các khó khăn, vướng mắc cũng như tháo gỡ các thủ tục của tất cả các dự án thuộc mọi thành phần kinh tế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất. Về chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bộ đang cùng với các đơn vị khác nghiên cứu, sẽ có đề xuất và trình trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Về triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, nền kinh tế có nhiều tín hiệu lạc quan để có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt nếu kiểm soát được dịch bệnh. Chính phủ đang đi đúng hướng trong xác định và triển khai chiến lược vaccine, các chính sách kinh tế trọng tâm. Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam và Thái Lan của Ngân hàng Standard Chartered nhấn mạnh, Việt Nam đang trên con đường tiến tới mục tiêu trở thành trung tâm chuỗi cung ứng mang tầm khu vực, một nền kinh tế công nghiệp hiện đại và một quốc gia có thu nhập cao trong tương lai. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng trong thời gian gần đây. "Song, cần chú ý, khả năng kiểm soát dịch COVID-19 sẽ đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn", ông Tim Leelahaphan nhận định.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào tốc độ triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân và cộng đồng DN mở rộng hoạt động thương mại, tận dụng cơ hội từ FTA, chuyển đổi số, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đây chính là động lực cả trước mắt và dài hạn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và cũng là các biện pháp mà Việt Nam đã quyết liệt thực hiện kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020. “Trong bối cảnh nền kinh tế còn chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh, thúc đẩy giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng, tạo tác động lan tỏa đối với nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, hơn nửa năm trôi qua, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của nhiều bộ, ngành và địa phương vẫn diễn ra khá chậm. Cần quyết tâm tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục để đẩy mạnh nguồn vốn quan trọng này”, chuyên gia kinh tế Hoàng Văn Cường nêu quan điểm. Đề cập tới thực trạng, những khó khăn do dịch bệnh đang "ngấm" ngày càng sâu vào từng người lao động, từng DN, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, những giải pháp tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ an sinh, hỗ trợ DN của Chính phủ là rất kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là tốc độ thực thi các chính sách hỗ trợ, với tiêu chí dễ tiếp cận hơn để hỗ trợ tối đa cho DN, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19.
Doanh nghiệp khẳng định vai trò rường cột của nền kinh tế
Sau 76 năm đất nước độc lập, lực lượng DN không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò rường cột của nền kinh tế. Hiện tại, trước sự công phá nặng nề của đại dịch COVID-1-19, DN Việt Nam cần tiếp tục thể hiện bản lĩnh, sức chịu đựng trước khó khăn để chiến thắng đại dịch, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước hùng cường và tự chủ. Đây là nhấn mạnh của ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASEM).
DN Việt Nam đã phát triển và giữ vị trí quan trọng trong nên kinh tế của đất nước, 76 năm là một chặng đường dài phát triển của nền kinh tế. Trải qua hành trình đó, lực lượng DN Việt Nam trong đó phần lớn là doanh nghiệp tư nhân ngày càng đông đảo, không ngừng phát triển và đi lên. Sự phát triển của DN cũng đã thể hiện rõ nét của quá trình thay đổi nhận thức về phát triển kinh tế, về doanh nhân, DN của Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, với định hướng, chủ trương phát triển kinh tế thị trường thông qua cải cách thể chế pháp luật đã tạo tiền đề cho DN hoạt động, phát triển thuận lợi, giúp DN khẳng định vị thế, vai trò không thể thiếu trong chuỗi phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng, Nhà nước đã nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, là động lực quan trọng của nền kinh tế, đây sẽ là tiền đề thuận lợi để DN, nhất là lực lượng kinh tế tư nhân phát triển hơn trong giai đoạn mới, cũng như phát huy vai trò rường cột của kinh tế tư nhân, kinh tế của người dân.
Thực tế cho thấy, hiện nay, có hơn 850 ngàn DN, nhưng trong đó chiếm hơn 98% là DN tư nhân cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế, định hướng. Từ thời kỳ chỉ có DN kinh doanh ngành hàng có lợi cho quốc kế dân sinh, nay DN đã mở rộng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, không hạn chế về quy mô. Việt Nam cũng đang có rất DN lớn, các tập đoàn kinh tế hàng đầu phát triển ấn tượng. Mặt khác, các DN đang ngày càng tiệm cận về quản trị, năng lực cạnh tranh tốt hơn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cho tăng trưởng xuất khẩu, thúc đẩy nền kinh tế không ngừng phát triển; tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động.
Với một bề dày phát triển cùng chiều dài của lịch sử đất nước, đặc biệt là đã đi qua không ít những thăng trầm cùng đời sống kinh tế, xã hội, trước sự tác động đầy khốc liệt của dịch COVID-19 DN tiếp tục khẳng định vai trò rường cột của nền kinh tế. Dịch COVID-19 có thể nói là vô tiền khoáng hậu, với sự tàn phá khủng khiếp, toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Cho nên, tác động của đại dịch có thể nói là khách quan, vì vậy, theo ghi nhận của các chuyên gia, DN trong nước đã xác định các thử thách, đồng thời chấp nhận khó khăn để chung sức cùng Chính phủ chiến thắng đại dịch như thực hiện giãn cách xã hội, điều này cũng để hạn chế tác động ảnh hưởng bất lợi cho DN.
Liên tiếp các làn sóng của dịch COVID-19 ập đến, số lượng DN tạm dừng kinh doanh hay rút khỏi thị trường đang rất lớn, cho thấy sức công phá nặng nề của dịch. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy rằng, đối với nhiều DN chưa có sự chuẩn bị tốt, hay đã có dấu hiệu suy giảm thì dịch bệnh xuất hiện đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình đóng cửa của DN, đây cũng xem như là một đợt sàng lọc. Ngược lại, có DN chủ động chuyển sang trạng thái hoạt động mới, có cách phòng vệ, linh hoạt, ứng biến chuyển đổi mô hình kinh doanh thích ứng với đại dịch, cũng như có DN đang dồn sức để có thể bật dậy mạnh mẽ hậu COVID-19.
Thời gian qua, trước các tác động của dịch bệnh đến “sức khỏe” của DN, đã có rất nhiều hiến kế, giải pháp từ cơ quan truyền thông, chuyên gia để DN vượt qua dịch bệnh, vì vậy, DN nên chú ý quan tâm, nghiên cứu để áp dụng một cách phù hợp. Trong đó cần xác định rằng, có những mất mát, tổn thương phải chấp nhận; cố gắng khai thác, tiếp nhận các chỉ đạo, hỗ trợ từ Nhà nước, đồng thời bỏ tích lũy để đầu tư nhiều hơn giữ chân người lao động, nhất là với DN sản xuất, chế biến, chế tạo vốn là khu vực sử dụng nhiều lao động.
Ngoài ra, DN cần tiếp tục nghiên cứu triển khai các mô hình sản xuất tùy vào từng giai đoạn, tuy nhiên, cân nhắc kỹ lưỡng khi thực hiện, nhằm tránh đẩy giá thành lên cao; cũng như đảm bảo sức khỏe, tinh thân thần cho người lao động. DN cũng cần xác định tình hình khó khăn có thể kéo dài nên phải có chiết lược tiết giảm chi phí, tính toán làm sao để có huy được dòng tiền, nguồn vốn để duy trì sản xuất, giữ chân người lao động.
Dù là lựa chọn khó khăn, song Việt Nam vẫn duy trì mục tiêu kép đó là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Thực tế, chủ trương thực hiện mục tiêu kép là cách làm khó khăn như Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, nhằm tránh làm chậm tốc độ phát triển của nền kinh tế, do đó đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao nhất của Chính phủ cũng như DN. Tuy vậy, trong từng thời điểm trước mắt, Chính phủ cũng đã rất quyết liệt nhận định phải hy sinh lợi ích kinh tế để chống dịch, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Trong lựa chọn đó, Chính phủ đồng thời đã triển khai sớm các gói hỗ trợ DN. Đây là giải pháp đúng đắn, kịp thời giúp doanh nghiệp có nguồn lực, giữ được nguồn lực lượng sản xuất, tạo nền tảng vững chắc để hoạt động ổn định.
Dù dịch bệnh đang rất khốc liệt, tuy vậy, với bản lĩnh đương đầu với khó khăn, sức chịu đựng bền bỉ dẻo dai, DN Việt Nam sẽ đứng vững trước sóng gió lớn. Và cùng với sự tiếp sức của Chính phủ về chính sách hỗ trợ, cải cách thể chế về thuế, tín dụng, thủ tục hành chính… cộng đồng doanh nghiệp sẽ trở lại mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát thành công đóng góp vào sự phát triển và hồi phục kinh tế đi lên sau đại dịch.