Việt Nam tiếp tục có nhiều thuận lợi trong thu hút FDI
Theo đó, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,33 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019 tuy nhiên mức độ giảm trong 4 tháng ít hơn so với 3 tháng đầu năm. Mặc dù giảm so với năm 2019, nhưng tổng số vốn đầu tư đăng ký vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2016-2018 (tăng 52,3% so với năm 2018, tăng 16,4% so với năm 2017 và tăng 79% so với năm 2016).
Tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 6,87 tỷ USD (tăng 26,9%) và tổng vốn đầu tư điều chỉnh đạt 3,07 tỷ USD (tăng 45,6%).
Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần mặc dù giảm về giá trị giao dịch nhưng số thương vụ vẫn tăng 32,9% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, xuất khẩu của khu vực FDI đã tăng trở lại sau khi giảm trong 3 tháng, đạt 56,4 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Khu vực FDI xuất siêu 10,2 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 9,4 tỷ USD không kể dầu thô, giúp cả nước xuất siêu 983 triệu USD.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết: Mặc dù đại dịch COVID-19 đang và sẽ tiếp tục gây nhiều khó khăn, thách thức cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng (với dự kiến sẽ làm giảm 30-40% FDI toàn cầu trong giai đoạn 2020-2021 và Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất do gián đoạn nguồn cung tại Trung Quốc cũng như nguy cơ các doanh nghiệp trong nước bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm qua các thương vụ mua bán, sáp nhập cao), tuy nhiên, Việt Nam có nhiều triển vọng thu hút FDI trong năm 2020.
Các yếu tố thuận lợi bao gồm: Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kết quả phòng chống dịch COVID-19, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Xu hướng dịch chuyển FDI ra khỏi Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam do tác động kép từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và dịch COVID-19 bùng phát ngày càng được thể hiện rõ và đang được đẩy nhanh. Việt Nam được đánh giá là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong vài tháng qua khiến nhiều quốc gia nhận thấy sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, không chỉ tập trung tại Trung Quốc.
Ngân hàng thế giới vừa có báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2020 với những đánh giá lạc quan về triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của năm. Nền kinh tế Việt Nam có thể khởi sắc sau khi nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội.
Sau khi dịch COVID-19 được khống chế trên phạm vi toàn cầu, khi các tập đoàn đa quốc gia phục hồi hoạt động sản xuất-kinh doanh, định hình lại chiến lược đầu tư-kinh doanh trong chuỗi sản xuất, cơ hội đến với Việt Nam tùy thuộc vào chính các giải pháp xử lý khủng hoảng và hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ trong tương quan với các nước trong khu vực.
Nói về triển vọng FDI năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Việt Nam sẽ đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của các công ty đa quốc gia. Doanh nghiệp trong nước có cơ hội được tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều tập đoàn trên thế giới đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư tại Việt Nam cho thấy sự hấp dẫn của môi trưởng và chính sách đầu tư của Việt Nam.
“Việt Nam có thể tận dụng tốt xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu để thu hút FDI phát triển một số lĩnh vực mới (chưa có nhiều dự án FDI) tại Việt Nam như thiết bị y tế, sinh học, hóa dược, hóa sinh, dược phẩm… Cùng với đó là tranh thủ cơ hội để thu hút có chọn lọc dòng vốn FDI có chất lượng phù hợp với nhu cầu của Việt Nam”, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Với những thuận lợi trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo FDI vào Việt Nam sẽ tăng trở lại vào cuối năm 2020, tạo đà cho năm 2021.