Việt Nam và câu chuyện thu hút vốn đầu tư từ EU
Đầu tư từ EU chưa đạt kỳ vọng
6 tháng đầu năm 2021, ước tính tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam thì Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,64 tỷ USD, chiếm gần 36,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp sau là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc)…
Tuy nhiên, trên danh sách trên vẫn chưa có EU mặc dù Việt Nam và quốc gia trong khối có lịch sử và chính trị lâu dài liên quan tới nhau. Cũng theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số nước "quen mặt" với VN như Pháp, Đức và Luxembourg hiện chỉ xếp hạng ở nửa dưới bảng xếp hạng các nhà đầu tư lớn khi lần lượt đứng thứ 16, 17 và 18 tại Việt Nam. Thụy Sĩ và Bỉ đứng ở vị trí thứ 20 và 22.
Xa hơn nữa, trong năm 2019, theo số liệu có nguồn từ EU thì vốn đầu tư của EU vào Việt Nam chỉ đạt khiêm tốn 6,1 tỷ Euro. Con số đó khiêm tốn so với hơn 60 tỷ USD đầu tư tích lũy của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Vào năm 2020, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN EU tại Việt Nam (EuroCham) - từng trả lời Báo Công Thương rằng các nhà đầu tư EU từng nhắm đến Việt Nam là một thị trường tiềm năng để mở rộng vốn đầu tư. Ông cũng nêu bật vấn đề hiện tại trong các quốc gia khác trong khu vực châu Á như: Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Campuchia… thì Việt Nam vẫn đang được đánh giá chậm trong thu hút đầu tư.
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc nguồn vốn từ EU vẫn chưa được khai thác như mong đợi. Trên thực tế, các doanh nghiệp EU đang gặp những vướng mắc về sự minh bạch và thuận lợi trong thủ tục nói riêng và quản lý nhà nước nói chung nên thường khó đầu tư FDI vào các lĩnh vực có thế mạnh. Ngoài ra, hiện tại Việt Nam vẫn gặp những vấn đề về cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện đồng bộ, chi phí logistics quá cao, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của DN… cũng là rào cản khiến FDI từ EU bị hạn chế.
Cơ hội nào cho Việt Nam trong tương lai?
Nhưng, điều đó không có nghĩa là Việt Nam không có những tiềm năng hấp dẫn để đón các nhà đầu tư từ Liên minh châu Âu trong tương lai.
Đầu tiên, bất chấp dịch bệnh nhưng GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng đạt mức cao trong những tháng đầu năm, ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm 2020 và là một trong ba quốc gia trong khu vực không bị sụt giảm tăng trưởng kinh tế dù bất chấp những ảnh hưởng xấu bởi đại dịch COVID-19.
Trong quý 2, Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng GDP 6,61% so với năm ngoái, còn cao hơn cả quý 1 cùng tiềm năng sớm hồi phục kinh tế trở lại thời kỳ trước đại dịch.
Hiện tại, nước ta cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU. Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu của nước ta sang EU đã tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 10 tỷ USD trong Quý 1 năm nay.
Hiệp định EUFTA được ký kết dường như đã phát huy tác dụng hiệu quả đối với thương mại hai chiều, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ khiến dòng vốn từ các nước EU vào Việt Nam cũng ngày một gia tăng. Cụ thể, Nguồn vốn FDI của một số quốc gia vốn xếp thấp trong bảng xếp hạng các nhà đầu tư vào Việt Nam như Đức tăng 7,6% trong khoảng thời gian từ nửa đầu năm 2020 đến nửa đầu năm 2021, từ 2,08 tỷ USD lên 2,24 tỷ USD. Nguồn vốn FDI của Bỉ tăng 6,4% so với cùng kỳ...
Bên cạnh đó, mối quan hệ xấu đi với Trung Quốc khi Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) với nước này bị Nghị viện châu Âu đình chỉ, ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân của các doanh nghiệp EU.
Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp từ Liên Âu phải tìm những điểm đến mới để đầu tư, trong đó có Việt Nam.
Bản thân các doanh nghiệp cũng đánh giá cao môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Một báo cáo do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam công bố vào tháng 2 cho thấy các doanh nghiệp châu Âu có mức độ tin tưởng cao vào thị trường, với 48% mô tả hoạt động kinh doanh là "xuất sắc" hoặc "tốt", đánh dấu sự gia tăng đáng kể so với điểm số vào năm 2020.
Để mở rộng cơ hội thu hút hơn nữa nguồn vốn đầu tư từ EU, hiện Việt Nam đang thúc đẩy nhiều quốc gia thành viên châu Âu (như Ý, Đức, Rumani…) nhanh chóng phê chuẩn các Thỏa thuận như Bảo hộ Đầu tư EVIPA để nắm bắt đón "sóng" từ EU trong bối cảnh CAI đang bị đình chỉ.
Ngoài việc đẩy nhanh đàm phán với các nước khác, Việt Nam cũng đang nỗ lực giải quyết những khuyết điểm nội tại nhằm giúp việc thu hút vốn FDI từ EU được dễ dàng hơn. Vào năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước nước ngoài đến năm 2030.
Trong đó xác định chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Cùng với mục tiêu đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng đưa ra nhiều giải pháp thu hút các dự án FDI từ EU.
H.S
Xem thêm: FDI 6 tháng đạt 15,27 tỷ USD: Giảm về lượng, tăng về chất