Việt Nam xuất siêu 536 triệu USD trong quý I/2019

20:05 | 10/04/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tính chung cả quý I năm 2019, Việt Nam xuất siêu 536 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,7 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,57 tỷ USD.

Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu trong quý I/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý I/2019 có xu hướng tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng bởi diễn biến kém tích cực của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tại các nền kinh tế chủ chốt, những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và việc Anh rời khỏi EU có nhưng diễn biến hết sức phức tạp.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 năm 2019 ước đạt 22,4 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Tính chung cả quý I/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 58,51 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 9,7% và chiếm 29,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 41,46 tỷ USD, tăng 2,7% và chiếm 70,9%.

Bên cạnh đó, trong  những tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản gặp nhiều khó khăn do một số mặt hàng xuất hiện tình trạng cung vượt cầu, giá xuất khẩu giảm mạnh, cạnh tranh gia tăng, nhu cầu tiêu thụ chững lại… Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu của 7/9 mặt hàng này bị sụt giảm trong quý I/2019. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 1,4%, đạt 1,74 tỷ USD; rau quả giảm 8,6%; cà phê giảm 23,8%; gạo giảm 23,6%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 23,6%. Trong khi đó, hạt điều dù khối lượng xuất khẩu tăng 4,7% nhưng kim ngạch lại giảm 17,2% so với cùng kỳ năm trước; hạt tiêu tăng về số lượng nhưng lại giảm 14,7% về kim ngạch. Chỉ có 2 mặt hàng là cao su và chè đều có kim ngạch xuất khẩu tăng 18% so với năm trước.

Việt Nam xuất siêu 536 triệu USD trong quý I/2019 - ảnh 1
 Việt Nam xuất siêu 536 triệu USD trong quý I/2019 (Ảnh minh họa).
Lý giải về tình trạng này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, nông sản là mặt hàng có tính thời vụ. Thông thường những tháng đầu năm, đặc biệt là quý I chưa phải là thời điểm và mùa vụ xuất khẩu. Đặc biệt, đối với mặt hàng như thủy sản, kim ngạch xuất khẩu trong những tháng đầu năm đều giảm do thị trường tiêu thụ chưa hết hàng nhập cuối năm.
Mặc dù nhóm hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu giảm, nhưng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong quý I/2019 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng chủ yếu là nhờ vào tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp và chế biến. Nhóm hàng này chiếm tới 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, ước đạt 49 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có một số mặt hàng chủ lực vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao như: Hàng dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; gỗ và các sản phẩm từ gỗ….
Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 57,89 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực trong nước đạt 24,09 tỷ USD tăng 13,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,89 tỷ USD, tăng 6%. Trong quý I có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 69,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước như điện tử, máy tính, linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng… Điều đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu dầu thô tăng đột biến, gấp 28 lần về lượng và 21,98 lần về trị giá.. Điều này được lý giải do sản lượng dầu thô khai thác trong nước sụt giảm mà nhu cầu sử dụng gia tăng sau khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động từ cuối năm 2018.
Đánh giá về kim ngạch xuất nhập khẩu quý I/2019, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm 1,8% so với cùng kỳ, xuất khẩu của nhiều nước giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm 2019 như Hàn Quốc (giảm 8,7%); Trung Quốc (giảm 4,6%); Nhật Bản (-4,7%); Indonesia (-7,7%) và căng thẳng Mỹ - Trung vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp cũng như xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng thì kết quả xuất khẩu 3 tháng đầu năm nay của Việt Nam có thể xem là một kết quả cho thấy sự nỗ lực rất lớn.
Tuy nhiên, để phấn đấu đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 8-10% năm 2019, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã có những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu. Cụ thể, ngay từ đầu tháng 3, Bộ đã có Công văn gửi các bộ, ngành, địa phương để phối hợp đánh giá nguyên nhân suy giảm tăng trưởng xuất khẩu đối với các mặt hàng thuộc quản lý của Bộ; tiếp tục theo dõi biến động của tình hình thế giới để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy các mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội xuất khẩu và quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại cũng như xuất xứ hàng hóa.
Đồng thời, tổ chức các đoàn đi làm việc trực tiếp với các địa phương (Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng…) để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Chú trọng công tác hỗ trợ các Hiệp hội, doanh nghiệp về thông tin cảnh báo và phòng tránh, xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại; cập nhập thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp Việt ứng phó với các vụ việc hàng hóa xuất khẩu bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp.