Âm vốn chủ sở hữu, VNA vẫn xin được đặc cách duy trì niêm yết trên sàn HoSE
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa kiến nghị Chính phủ cho phép xem xét là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên HoSE dù âm vốn chủ sở hữu.
Theo đó, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoản TP.HCM (HoSE) trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu. Hãng hàng không quốc gia cũng kiến nghị Chính phủ cho chủ trương xây dựng gói giải pháp hỗ trợ tiếp theo cho doanh nghiệp này cùng với đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines.
Song song với đó là kiến nghị Chính phủ cho phép hãng hàng không này sớm mở lại đường bay quốc tế đi/đến các quốc gia được coi là an toàn với Covid-19.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 2/2021 ghi nhận tăng nhẹ so với năm ngoái, đạt 6.598 tỷ đồng. Các khoản giảm trừ doanh thu tăng gấp 6 lần, giá vốn hàng bán tăng mạnh dẫn đến lợi nhuận gộp âm 3.497 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 2.865 tỷ đồng của quý 2/2020.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm từ 902 tỷ đồng năm ngoái xuống còn 141 tỷ đồng năm nay, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp đôi, sau khi trừ đi các khoản chi phí, thuế, HVN lỗ 4.528,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ sau thuế quý 2 năm ngoái 3.022 tỷ đồng
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines lỗ 8.585 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 5.262 tỷ đồng 6 tháng năm 2020. Như vậy, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đến thời điểm cuối tháng 6/2021 là 17.771 tỷ đồng
Tổng cộng tài sản của Vietnam Airlines tính đến cuối tháng 6 là 61.255 tỷ đồng, giảm hơn 1.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ phải trả 64.005,6 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, dẫn đến âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính 34.462 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm ngoái.
Hàng tồn kho tăng mạnh từ 1.849 tỷ đồng lên 2.580 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hàng hóa, nguyên, vật liệu. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 723,9 tỷ đồng, dù vậy cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải trình về kết quả kinh doanh, ban lãnh đạo HVN cho biết, do đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu trong đó có Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Tổng doanh thu và thu nhập khác quý 2/2021 của công ty mẹ giảm 26,5% so với quý 2/2020, tương ứng giảm hơn 1.634 tỷ đồng, trong đó doanh thu cung cấp dịch vụ giảm 11,3%, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 72,5% chủ yếu giảm từ các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và lãi chênh lệch tỷ giá. Tổng doanh thu và thu nhập khác của quý 2/2021 giảm nhiều hơn tổng chi phí dẫn đến lợi nhuận sau thuế công ty mẹ giảm trên 1.634,9 tỷ đồng so với năm trước.
Ngoài lý do liên quan đến công ty mẹ còn do các công ty con liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không như Nasco, Vaeco cũng giảm mạnh…
Tại Đại hội cổ đông thường niên tháng 7 vừa qua, Vietnam Airlines dự kiến tổng doanh thu năm 2021 sẽ đạt 37.364 tỷ đồng bằng 88% so với thực hiện năm 2020 và lỗ ròng hợp nhất lên tới 14.526 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ 11.178 tỷ đồng của năm 2020, riêng công ty mẹ lỗ 12.908 tỷ đồng. Như vậy, đi hết nửa chặng đường của năm 2021, Vietnam Airlines mới đạt 37,8% kế hoạch doanh thu và hoàn thành 59% kế hoạch lỗ cả năm.
Để bổ sung nguồn tiền, tăng vốn chủ sở hữu, Vietnam Airlines đã thực hiện chào bán cổ phần ưu đãi cho các cổ động hiện hữu. Theo tài liệu báo cáo kết quả chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của hãng, Vietnam Airlines đã phân phối được hơn 796,1 triệu cổ phiếu phát hành thêm.
Giá chào bán mà hãng hàng không quốc gia đưa ra là 10.000 đồng/cổ phiếu, rẻ hơn rất nhiều so với thị giá 25.900 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Như vậy, số tiền hãng bay này vừa thu về khoảng 7.961 tỷ đồng và không thể tìm được cổ đông mua gần 4 triệu cổ phiếu, tương đương, gần 40 tỷ đồng.
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã giải ngân số tiền 6.894,9 tỷ đồng mua cổ phiếu để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của Vietnam Airlines. Việc SCIC đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Vietnam Airlines, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ngoài SCIC, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết sẽ thực hiện toàn bộ 14,8 triệu quyền mua cổ phiếu Vietnam Airlines. Theo đó, với tỷ lệ thực hiện quyền mua 56,4% (tức 100 quyền được mua 56,4 cổ phiếu phát hành thêm), nhà băng này sẽ được mua hơn 8,35 triệu cổ phiếu Vietnam Airlines.
Giá trị giao dịch trên dự kiến khoảng 83,5 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành giao dịch, Vietcombank nâng lượng cổ phiếu nắm giữ của Vietnam Airlines lên hơn 23,1 triệu (chiếm 1,044% vốn của hãng).
Trong đợt này, Vietnam Airlines phát hành thêm khoảng 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19. Đầu tuần, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng đã giải ngân 6.894,9 tỷ đồng để mua cổ phiếu hãng hàng không này, để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ.
Cuối tháng 7, do đang gặp khó khăn vì dịch bệnh, cổ đông chiến lược ANA của Vietnam Airlines đã nhượng lại 70 triệu quyền mua cổ phần cho 15.100 người lao động của Vietnam Airlines Group. Theo đó, mỗi người lao động của hãng bay này dự kiến được mua khoảng 3.000-5.700 cổ phần (tùy đối tượng).