Vietravel (VTR): Doanh thu quý II gần 1.000 tỷ, vẫn lỗ hợp nhất do hãng hàng không

Diên Vỹ 14:13 | 03/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel, mã: VTR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với kết quả kinh doanh khởi sắc, lãi sau thuế công ty mẹ trong quý đạt gần 49 tỷ đồng từ mức âm 29,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, lỗ từ mảng hàng không kéo lùi lợi nhuận hợp nhất doanh nghiệp âm 7 tỷ đồng.

 

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý II/2022 của công ty mẹ, VTR ghi nhận doanh thu thuần trong kỳ đạt 986 tỷ đồng, tăng 3,8 lần so với mức thực hiện 260,9 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 48,99 tỷ đồng, từ mức âm 29,5 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021. 

VTR lý giải mức tăng mạnh chủ yếu do so sánh với nền kết quả kinh doanh thấp của quý II/2021, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ; công ty hầu như không có khoản thu từ hoạt động kinh doanh du lịch và dịch vụ khác trong khi vẫn phải trả lương cơ bản cho người lao động. Đến quý II/2022, du lịch khởi sắc, nhu cầu bùng nổ sau thời gian dài kìm nén đẩy doanh thu từ hoạt động kinh doanh của VTR cao gấp gần 4 lần cùng kỳ 2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty mẹ VTR ghi nhận tổng doanh thu thuần 1.201,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.076,4 tỷ đồng, đều tăng vọt so với cùng kỳ 2021. 

Còn theo báo cáo hợp nhất giữa niên độ, doanh thu thuần của VTR trong quý II/2022 ghi nhận 986 tỷ đồng, tăng 2,96 lần so với mức thực hiện 332,8 tỷ đồng cùng kỳ 2021. Trừ giá vốn, lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 130,9 tỷ đồng, tăng mạnh từ mức âm 95 tỷ đồng cùng kỳ.

Trong kỳ, VTR báo cáo chi phí bán hàng giảm gần 10 lần về 5,3 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ tăng 12% lên 52,6 tỷ đồng, các chi phí khác cũng giảm mạnh. Tuy nhiên, phần lỗ trong công ty con, công ty liên kết lên tới 57,98 tỷ đồng đã đưa lợi nhuận sau thuế hợp nhất của VTR trong quý II xuống mức âm 6,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 6,96 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần hợp nhất của VTR ghi nhận đạt 1.201,6 tỷ đồng, tăng 97% so với mức thực hiện 609,4 tỷ đồng thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Trừ giá vốn, lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 136,9 tỷ đồng so với mức âm 89,4 tỷ đồng cùng kỳ. 

Trong khi doanh thu tài chính 6 tháng giảm mạnh về 4,5 tỷ dồng, chi phí tài chính cũng giảm 38% về 48,5 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay khoảng 36 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm ấn tượng nhờ tái cơ cấu, mức giảm lần lượt là 89% và 24% về 6,5 tỷ đồng và 82,4 tỷ đồng. Dù vậy, lũy kế lỗ trong công ty con, công ty liên kết lên tới 118,1 tỷ đồng đã đưa lợi nhuận sau thuế về mức âm 114,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là âm 115 tỷ đồng.

Theo lý giải của VTR, đóng góp chủ yếu vào khoản lỗ lũy kế 118,1 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm là lỗ từ CTCP Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) với trị giá 117,4 tỷ đồng. Còn lại 0,7 tỷ đồng là lỗ ghi nhận từ CTCP Tiếp thị thể thao Du lịch giải trí Việt Nam (công ty này hiện đã giải thể, chấm dứt hoạt động).

Trong văn bản giải trình với HOSE VTR cho hay từ tháng 4/2022, thị trường hàng không nội địa bắt đầu hồi phục đáng kể và tăng trưởng mạnh trong hè. Số chuyến bay của hãng trong tháng 6 ước tăng 10 - 15% so với tháng 5và tăng 40% so cùng kỳ năm ngoái. Hệ số tải luôn đạt trên 90%. Tuy nhiên, thị trường quốc tế chưa phục hồi, giá nhiên liệu (chiếm 40% chi phí) tăng đột biến, mức giá nhiên liệu bình quân tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ dẫn đến hoạt động kinh doanh dù hồi phục tích cực trong quý II/2022 nhưng doanh thu vẫn chưa thể bù đắp cho các khoản chi phí.