Thay đổi bộ nhận diện, Vinamilk chi bao nhiêu tiền cho quảng cáo trong 9 tháng?

Trang Mai 09:34 | 31/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Là "bước đầu tiên" trong giai đoạn tái cơ cấu cấu trúc toàn diện, Vinamilk đã tăng gần 5% chi phí quảng cáo, khuyến mãi, nghiên cứu thị trường trong 9 tháng. Cùng đó, doanh thu và lợi nhuận đã hoàn thành trên 70% kế hoạch năm 2023.

Theo báo cáo tài chính CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk , mã: VNM) vừa công bố, đơn vị này ghi nhận 15.637 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng, hoạt động bán hàng của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi tình hình chung của ngành FMCG và ngành sữa. Theo AC Nielsen, ngành hàng tiêu dùng nhanh kết thúc quý III với mức giảm 2% về giá trị so với cùng kỳ 2022 do tăng trưởng sức mua hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chậm lại. Toàn ngành sữa cũng ghi nhận giảm 4%. 

Các thị trường nước ngoài đóng góp doanh thu thuần 2.384 tỷ đồng trong quý III. Mảng xuất khẩu tăng 5% nhờ sự phục hồi tích cực từ một số thị trường có tình hình chính trị ổn định hơn so với 6 tháng đầu năm, cùng với sự ổn định tại thị trường Trung Đông và Đông Nam Á.

Ngoài ra, chi nhánh nước ngoài AngkorMilk tại Campuchia tiếp tục tăng trưởng gần 10% và chi nhánh Driftwood tại Hoa Kỳ duy trì ở mức nền cao của cùng kỳ.

Biên lợi nhuận gộp hợp nhất quý III đạt 41,9%, tăng 2,43 điểm % so với cùng kỳ 2022, đánh dấu mức tăng trưởng so với cùng kỳ mạnh nhất kể từ sau COVID-19 (quý IV/2021). Lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý đạt 2.533 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ 2022 và đạt mức cao nhất kể từ sau quý III/2021. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 2.492 tỷ, tăng 8,4% so với quý III năm ngoái.

 

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Vinamilk đạt 44.750 tỷ, lợi nhuận sau thuế 6.669 tỷ đồng; giảm lần lượt 0,3% và 0,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 1,5% về 6.548 tỷ.

Năm 2023, Vinamilk đặt kế hoạch tổng doanh thu 63.380 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế  8.622 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 quý, công ty đã thực hiện được 71% mục tiêu doanh thu và 77% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Với việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu trong quý II và quý III, Vinamilk cho biết đây là bước đầu tiên trong giai đoạn tái cơ cấu toàn phần. "Tái định vị thương hiệu chỉ là bước đầu trong chiến lược 5 năm tới của hãng, đi cùng đó là hàng loạt thay đổi trong chuyển đổi số, tuyển dụng nhân sự, quy trình quản trị,... với mục tiêu tiếp cận với người tiêu dùng nhanh hơn, hiệu quả hơn", bà Mai Kiều Liên,Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết.

Trong 9 tháng, doanh nghiệp đầu ngành sữa đã chi hơn 9.500 tỷ cho chi phí bán hàng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chi phí cho dịch vụ khuyến mãi, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán hàng cùng chi phí quảng cáo, nghiên cứu thị trường chiếm thị phần lớn nhất (7575 tỷ), tăng 4,8% so với 9 tháng 2022. Khoản tiền này đã tăng hơn 1.400 tỷ so với nửa đầu năm 2023. 

Trong lịch sử hoạt động, Vinamilk là một trong số các doanh nghiệp dành khá nhiều tiền cho chi phí bán hàng, marketing và quảng cáo, con số này thậm chí còn trên chục nghìn tỷ trong giai đoạn 2018-2021. Sang năm 2022, Vinamilk đã tiết giảm 11% chi phí bán hàng để tối ưu hoá lợi nhuận, nhưng chi phí hỗ trợ bán hàng, khuyến mãi và quảng cáo vẫn chiếm phần lớn với 1.226 tỷ đồng. 

Theo SSI Research, mặt trái của việc triển khai chiến dịch nhận diện thương hiệu mới trong tháng 7 vừa rồi là tăng các chi phí bán hàng và quản lý, dự kiến sẽ gia tăng từ nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ban lãnh đạo, chi phí liên quan đến việc thay thế bao bì mới có thể được hạch toán vào chi phí bán hàng và sẽ không ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp trong thời gian tới. Trước đó trong quý II, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của VNM lên tới khoảng 3.700 tỷ đồng, tương đương 24% doanh thu. 

 

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9, quy mô tài sản của Vinamilk đạt 54.967 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn với tổng giá trị 26.588 tỷ đồng. 3 quý đầu năm, khoản này đem về cho Vinamilk 1.148 tỷ lãi tiền gửi, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp tới 13% lợi nhuận công ty. Ngoài ra, doanh nghiệp này chỉ mang hơn 1,1 tỷ đầu tư chứng khoán, nhưng đã trích lập dự phòng tới hơn 700 triệu.

Các khoản phải thu còn hơn 5.900 tỷ, chủ yếu là khoản phải thu của khách hàng với hơn 4.400 tỷ. Hàng tồn kho hết quý III còn hơn 5.700 tỷ, tăng 3% so với đầu năm với phần lớn là nguyên vật liệu và thành phẩm.

Về cơ cấu nguồn vốn, Vinamilk ghi nhận tổng nợ gần 21.000 tỷ cuối quý III, tăng tới 34% so với đầu năm do sự tăng mạnh của thuế phải nộp Nhà nước (gấp 4 lần đầu năm). Bên cạnh đó, cổ tức phải trả cũng tăng hơn 2.000 tỷ so với đầu năm, lên hơn 5.100 tỷ đồng. 

Trong 9 tháng, doanh nghiệp đã trích hơn 68 tỷ đồng trả lương và thù lao cho thành viên HĐQT và Ban điều hành, giảm 19 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Chi tiết khoản này không được phía đơn vị công bố. 

Doanh nghiệp này chỉ đi vay cả ngắn hạn và dài hạn 7.156 tỷ đồng. Trong 9 tháng, Vinamilk vay thêm hơn 14.000 tỷ so với đầu năm và đã trả hơn 12.000 tỷ. Chi phí lãi vay 9 tháng ghi nhận 258 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 số lãi của khoản tiền gửi thu về trong 9 tháng.